Sáng 7/3, rất đông người dân xếp hàng trước khoa khám bệnh để mua sổ. Ảnh: T.Hạnh |
Khi được hỏi, hầu hết những người đến khám đều cho hay họ có biết vụ nhân bản, nhưng có bệnh thì không thể không chữa.
Bà Nguyễn Thị Vui (68 tuổi La Phù, Hoài Đức) cho hay, 5 năm nay bà vẫn mua thuốc điều trị tiểu đường tại Bệnh viện Hoài Đức.
"Ban đầu khi biết thông tin vụ nhân bản, tôi cũng hoang mang lắm, vì bao năm nay vẫn khám và mua thuốc tại đây. Sau đó tôi chuyển sang điều trị tại một số viện khác, nhưng thấy không hợp thuốc nên lại quay về đây", bà Vui nói.
Đưa con trai 16 tháng tuổi đi khám, anh Hoàn (Tân Lập, huyện Đan Phương) cho biết, dù Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng gần nhà hơn, nhưng do không tin tưởng nên vợ chồng anh vẫn đội mưa đưa con đến Bệnh viện Hoài Đức khám.
"Tôi nghĩ sau sự cố, đội ngũ y bác sĩ ở đây đã chấn chỉnh lại. Họ phải phục vụ tốt hơn, chu đáo hơn để còn thu hút bệnh nhân, lấy lại uy tín, chứ không thể có chuyện qua loa để sai phạm tái diễn", anh Hoàn tin tưởng.
Một người bán hàng sát cổng bệnh viện cho biết, sau khi vụ nhân bản bị phanh phui, rất đông người dân đã kéo đến đây để xét nghiệm lại.
Thời gian tiếp đó, bệnh viện vắng hẳn, nhưng đến giờ, lượng người đến khám đã trở lại gần như bình thường.
Có mặt trước cửa phòng khám, anh Nguyễn Văn Huy (Minh Khai, Hoài Đức) cho rằng, sở dĩ người dân quay lại với bệnh viện vì họ ngại đi xa và hơn hết là họ còn tin tưởng.
Phía ngoài, nhiều người vẫn đang chờ đợi để lấy kết quả - Ảnh: T.Hạnh. |
"Khi nghe thông tin vụ nhân bản xảy ra trên chính bệnh viện huyện mình, tôi sốc lắm, nghĩ sao họ lại có thể vô lương tâm đến thế. Người dân đã trao cho họ sức khỏe, tính mạng của mình, nhưng vì tiền, họ bất chấp tất cả.
Sau này ngẫm lại, tôi nghĩ ở đâu cũng có người này người kia, đâu đó vẫn còn những bác sĩ tốt và mình vẫn cần đến họ. Còn những ai đã vi phạm, mức án thế nào đã có pháp luật quy định. Điều quan trọng, xử phạt sao để tạo ra tính răn, để không tái phạm", anh Huy chia sẻ.
Ngồi trước khoa xét nghiệm đợi kết quả khám tiểu đường, bác Đặng Đình Thái (58 tuổi, Đức Giang, Hoài Đức) khẳng định: "Trên thực tế người dân chúng tôi không có sự lựa chọn, có bệnh thì phải khám, phải chữa. Chỉ là một bộ phận y bác sĩ đã lợi dụng lòng tin của dân để kiếm tiền".
Bác Thái cho rằng, ai làm sai thì phải chịu, không nên đánh đồng tất cả. Từ vụ này, các cơ quan chức năng phải quản lý nghiêm hơn để lấy lại niềm tin từ người dân.
"Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, dân đã trao gửi trọn vẹn cho y bác sĩ, vậy nhà nước phải quản lý đội ngũ này, chứ chúng tôi không thể giám sát được. Còn chuyện người này người kia ăn tiền thì ở đâu cũng có, không nên chỉ chăm chăm nhìn vào mặt trái. Có chăng cơ chế đãi ngộ phải thay đổi, để khi thấy đủ, họ sẽ không còn lòng tham nữa", bác Thái nói.
Một kỹ thuật viên tại khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Hoài Đức cho biết, sau vụ "nhân bản xét nghiệm", lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu toàn bộ đội ngũ y bác sĩ phải chấn chỉnh lại, không cho phép lặp lại những sai phạm nhưng thời gian vừa qua.
Bình luận