• Zalo

'Ngày thứ Năm hoảng loạn’, tỷ phú Việt giàu nhất nào vượt bão?

Kinh tếThứ Năm, 07/01/2016 06:14:00 +07:00Google News

Trong “ngày hoảng loạn” 7/1 trên thị trường chứng khoán, hầu hết các đại gia, “tiểu gia” đều mất mát lớn nhưng một vài tỷ phú giàu nhất Việt Nam may mắn “vượt b

(VTC News) - Trong “ngày hoảng loạn” 7/1 trên thị trường chứng khoán, hầu hết các đại gia, “tiểu gia” đều mất mát lớn nhưng một vài tỷ phú giàu nhất Việt Nam may mắn “vượt bão".

7/1 được xem là “ngày hoảng loạn” của thị trường chứng khoán toàn cầu.  Đầu tiên, chứng khoán Trung Quốc một lần nữa ngừng giao dịch vì giảm quá sâu. Theo chân chứng khoán chứng khoán, các chỉ số chứng khoán của Việt Nam đồng loạt “lao dốc”.

Chốt phiên giao dịch 7/1, VN-Index giảm 9,21 điểm (tương ứng 1,6%) xuống 565,36 điểm, HNX-Index giảm 1,53 điểm (tương ứng 1,95%) xuống 77,15 điểm. Kéo theo đà giảm mạnh của các chỉ số là 348 mã đi xuống. Trên cả 2 sàn, chỉ có 88 mã giữ được sắc xanh, trong đó đa số đều là cổ phiếu nhỏ. Số lượng blue-chips tăng giá khá hiếm hoi. Số lượng blue-chips của các tỷ phú giàu nhất sàn chứngk hoán Việt Nam đi lên càng hiếm hoi hơn.

Có thể điểm danh một vài “cổ phiếu đại gia” hiếm hoi “vượt bão” như VIC của Tập đoàn Vingroup, HAG của Tâp đoàn Hoàng Anh Gia Lai, MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt.
Ông Phạm Nhật Vượng và ông Đoàn Nguyên Đức
Ông Phạm Nhật Vượng và ông Đoàn Nguyên Đức
Đầu phiên, cũng như đa số các mã còn lại trên cả 2 sàn, VIC bị nhà đầu tư bán ra. Có thời điểm, VIC giảm xuống mức thấp nhất 46.500 đồng/CP. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực cầu càng mạnh giúp VIC bứt phá, vọt lên 48.200 đồng/CP. Vào giờ đóng cửa, dù hạ nhiệt nhưng VIC vẫn “vượt bão” thành công khi tăng 500 đồng/CP lên 48.000 đồng/CP.

Nhờ sự bứt phá của VIC, những tỷ phú họ Phạm đã có một ngày rất thành công khi tài sản của họ tăng lên hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú giàu nhất Việt Nam có thêm 266,2 tỷ đồng. Hiện ông Vượng sở hữu khối tài sản lên tới 25.556,55 tỷ  đồng, cao hơn rất nhiều so với tài sản của người giàu thứ 2 – ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát.

Nhờ VIC, bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup có thêm 45,91 tỷ đồng. Bà Hương vừa vượt qua bầu Đức để trở thành người giàu thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tài sản đạt 4.407 tỷ đồng.

Phạm Thúy Hằng, em gái bà Hương và cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup vững vàng ở vị trí thứ 5 với tài sản lên đến 2.943,12 tỷ đồng. Hôm nay, khối tài sản của bà Hằng tăng thêm gần 31 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC đang được nhà đầu tư rất quan tâm khi Vingroup đang tung ra hàng loạt dự án căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại.

HAG của Hoàng Anh Gia Lai đang đi theo chiều hướng ngược lại với VIC. Hiện tại, nhà đầu tư không mặn mà với HAG vì lo ngại những khoản nợ khủng mà công ty của bầu Đức đang sở hữu. Vì vậy, suốt thời gian qua, HAG liên tục sụt giảm, thậm chí còn giảm xuống dưới mệnh giá.

Tuy nhiên, VN-Index lao dốc, HAG tạo nên sự bất ngờ khi duy trì được sắc xanh. Dù chỉ tăng 100 đồng/CP nhưng HAG đã giúp vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai có thêm 79 tỷ đồng và giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán của bầu Đức tăng 34,78 tỷ đồng.

PDR cũng là trường hợp hiếm hoi không bị nhà đầu tư bán tháo. Trong phiên 7/1, PDR giao dịch trong biên độ rất hẹp, mức giá thấp nhất chỉ là 13.200 đồng/CP. Trong khi đó, mức giá cao nhất là 13.600 đồng/CP – cũng là giá đóng cửa phiên.

PDR giúp vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt tăng 20,2 tỷ đồng. Bản thân ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty có thêm 12,34 tỷ đồng. Với khối tài sản trị giá 1.678,48 tỷ đồng, ông Đạt đang đứng thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

MSN là blue-chip “vượt bão” thành công nhất. Nhờ tăng đến 1.500 đồng/CP, MSN giúp bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan có thêm 39,34 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu của các tỷ phú còn lại trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đều đi xuống. Trong đó HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát mang đến sự mất mát lớn nhất cho chủ nhân khi giảm 800 đồng/CP xuống 28.200 đồng/CP. HPG khiến ông Trần Đình Long mất 147,46 tỷ đồng.



Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn