• Zalo

Ngày thứ 2 xét xử Vinashin: Phạm Thanh Bình nhận sai

Pháp luậtThứ Tư, 28/03/2012 01:16:00 +07:00Google News

Sáng nay 28.3, TAND TP.Hải Phòng đã tập trung thẩm vấn những sai phạm liên quan đến dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Sáng nay 28.3, TAND TP.Hải Phòng đã tập trung thẩm vấn những sai phạm liên quan đến dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2003, Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Vinashin ký Quyết định số 418 về việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin. Vốn ban đầu 10 tỉ đồng, Vinashin chiếm 51% vốn, do Nguyễn Văn Tuyên làm giám đốc.

Đầu năm 2006, Tuyên muốn xây nhà máy điện độc lập để cung cấp điện cho nhà máy thép và khu công nghiệp Mỹ Trung - Nam Định, còn thừa sẽ bán vào lưới điện quốc gia.

Tuyên gặp, bàn với Nguyễn Tuấn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long (ở Hải Phòng) để đặt vấn đề tìm đơn vị xây dựng nhà máy điện.

Tuyên xin Phạm Thanh Bình cho tăng vốn lên 130 tỉ (Vinashin vẫn giữ 51%), bổ sung chức năng kinh doanh lĩnh vực điện lực và được Phạm Thanh Bình đồng ý.

Ngày 14.5.3006, Tuấn Dương ký với Tuyên biên bản thỏa thuận, Công ty Hoàng Anh thuê Công ty Cửu Long xây dựng 1 nhà máy nhiệt điện 185 KW, trị giá 55 triệu USD theo hình thức tổng thầu EPC (chìa khóa trao tay).

Công ty Hoàng Anh đặt cọc 48 tỉ đồng cho Cửu Long. Tuấn Dương đã mua 3 tổ máy nhiệt điện cũ ở Hàn Quốc với giá trị 12,6 triệu USD (sau đó lắp đặt nhà máy cho Hoàng Anh với tổng giá trị là 55 triệu USD).

Tuy nhiên, tháng 5 năm 2007, sau khi thiết bị đã nhập về, do thiết bị, công nghệ lạc hậu, Bộ Công nghiệp ra văn bản không chấp thuận cho triển khai dự án, yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ thực hiện dự án.

Theo cáo trạng, Công ty Hoàng Anh đã sử dụng 233 tỉ đồng chi cho dự án, trong đó đặt cọc cho Cửu Long 201 tỉ đồng. Số tiền này, Hoàng Anh vay ngắn hạn của Vinashin 199 tỉ đồng.

Cáo trạng nêu rõ, dự án này đã gây thiệt hại 316 tỉ đồng, Nguyễn Văn Tuyên phải chịu trách nhiệm gây thiệt hại 296 tỉ đồng; Nguyễn Tuấn Dương phải chịu trách nhiệm đã đồng phạm cùng Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên gây thiệt hại 92 tỉ đồng.

Phạm Thanh Bình nhận sai
Phạm Thanh Bình đã nhận sai trong dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

Bị cáo Phạm Thanh Bình: Bị cáo đã sai khi phê duyệt dự án

Tại tòa, HĐXX hỏi Phạm Thanh Bình: Bị cáo phê duyệt dự án này là đúng hay sai

- Là đúng ạ

Tòa hỏi: Nhưng Hoàng Anh là công ty cổ phần, bị cáo đóng vai trò gì ở công ty này?

- Bị cáo không có chức danh lãnh đạo ở công ty này, nhưng bị cáo là đại diện cho phần vốn góp 51%.

Tòa: Nhưng đại diện 51% vốn của tập đoàn, giao cho người của tập đoàn đại diện trong hội đồng quản trị của Hoàng Anh, việc bị cáo ký phê duyệt dự án là đúng hay sai?

- Là sai ạ.

Tòa: Tiền đó cho Hoàng Anh vay có lãi không?

- Thưa tòa, tất nhiên đã vay là có lãi.

Tòa: Việc cho vay có đúng chức năng, thẩm quyền không?

- Nói đúng cũng được mà nói sai cũng được.

Tòa: Bị cáo trả lời nghiêm túc, phần đúng nhiều hay sai nhiều?

- Nếu cho vay lấy lãi là sai, nếu đầu tư vốn lưu động thì không sai.

Tòa: Vậy việc bị cáo phê duyệt dự án là đúng hay sai?

- Đây là vốn nhóm B, nên ban đầu bị cáo phê duyệt là đúng.

Sau nâng công suất, nâng vốn, chuyển sang mức dự án nhóm A. Bị cáo thừa nhận việc phê duyệt dự án sau khi điều chỉnh vốn (hơn 1.400 tỉ đồng) là không đúng thẩm quyền.

Tòa hỏi tiếp: Bị cáo cùng ký vào hai quyết định phê duyệt dự án, với cùng số, cùng ngày, nhưng hai mức tiền, một mức gần 600 tỉ, một mức hơn 1.400 tỉ đồng. Vì sao có việc này?

- Vì về sau anh Tuyên xin nâng công suất, nâng mức đầu tư nên bị cáo phải phê duyệt dự án sau. Vì trình tự thủ tục lập dự án mới rất mất thời gian, nên bị cáo dự định lấy quyết định sau thay quyết định phê duyệt trước đó, để không phải hủy bỏ để làm lại từ đầu, rất mất thời gian.

Tòa hỏi bị cáo Tuyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Anh: Ai là chủ đầu tư dự án nhiệt điện, Hoàng Anh hay Vinashin?

Bị cáo Tuyên: Là Hoàng Anh, Vinashin chưa đóng đồng tiền nào vào Công ty Hoàng Anh, chỉ góp 30% vốn bằng thương hiệu, 21% còn lại chưa có đồng tiền nào.

Tòa: Theo bị cáo, Cửu Long có chức năng lập dự án, xây dựng nhà máy điện không?

- Bị cáo không biết.

Tòa: Bị cáo có biết nhà máy nhiệt điện cần trong quy hoạch điện không?

- Bị cáo không biết

Tòa: Bị cáo có xin phép cơ quan chức năng khi đầu tư nhà máy điện hay không?

- Bị cáo có xin phép Tập đoàn Vinashin

Tòa: Nhưng về quy định thì khi làm nhà máy điện phải xin bộ, Chính phủ, bị cáo có biết quy định này?

- Bị cáo không biết.

Tòa: Khi lập dự án, vốn làm nhà máy điện sẽ lấy từ đâu?

- Bị cáo vay từ Vinashin. Sau khi vay được hơn 230 tỉ, bị cáo chuyển cho Công ty Cửu Long 201 tỉ để mua thiết bị cho nhà máy điện; hơn 20 tỉ để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng nhà máy.

Tòa: Bị cáo thỏa thuận thế nào với Cửu Long?

- Cửu Long xây toàn bộ nhà máy, chìa khóa trao tay, trị giá 55 triệu USD, còn Hoàng Anh giải phóng mặt bằng, xây công trình phụ trợ như nhà ở cho công nhân, tường bao…

Tòa: Bị cáo giải thích thế nào về việc lập hợp đồng khống về việc mua thép đóng tàu rồi mang hồ sơ đi vay vốn của Vinashin làm nhà máy điện?

- Hoàng Anh được Vinashin cho vay vốn đóng tàu 12.500 tấn, nhưng vì việc đóng tàu chưa làm ngay, mà lãi vay thì bị cáo đã phải chịu, nên bị cáo chỉ định dùng tạm số tiền Vinashin cho vay để đóng tàu chuyển sang đầu tư làm nhà máy điện. Để vay được tiền từ Vinashin, bị cáo đã lập hợp đồng, chứng từ mua sắt từ Công ty Cửu Long để nộp cho Công ty tài chính Vinashin.

Nguyễn Tuấn Dương (giữa): Bị cáo làm nhà máy điệ không chịu sự chỉ đạo của Vinashin.

Tòa hỏi bị cáo Nguyễn Tuấn  Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long: Khi bị cáo mua thiết bị, có biết dự án bị Bộ Công thương dừng lại?

Bị cáo Dương: Chúng tôi chỉ biết chủ đầu tư, bên thuê chúng tôi lắp nhà máy, yêu cầu chúng tôi làm thì chúng tôi làm, khi mua máy móc, chúng tôi không nhận được thông báo nào của Hoàng Anh là dự án bị dừng. Thậm chí, Hoàng Anh còn tiếp tục yêu cầu chúng tôi thực hiện dự án, tức là tiếp tục lắp nhà máy.

Lúc mua máy, chúng tôi không biết dự án chưa đủ thủ tục, bị dừng. Sau này tôi mới biết.

Tòa: Bị cáo có bán thép cho Hoàng Anh?

- Chúng tôi có chức năng bán thép, Hoàng Anh muốn mua thép, vì vậy tôi ký hợp đồng mua bán, tôi không biết Hoàng Anh mang hợp đồng này để mang đi vay tiền của Vinashin, với lý do vay tiền để đóng tàu.

Tòa: Vậy hợp đồng mua bán thép tấm có được thực hiện không?

- Hợp đồng không được thực hiện, vì bên Hoàng Anh không trả tiền, không yêu cầu nhận hàng.

Tòa: Nhưng thực tế hơn 42 tỉ đồng đã chuyển vào tài khoản của Cửu Long?

- Chúng tôi hiểu việc đó là tiền đặt cọc để mua thiết bị cho nhà máy điện chứ không phải tiền mua thép.

Tòa: Nhưng thực chất các anh có xuất hóa đơn liên 1 về việc bán thép cho Hoàng Anh?

- Chúng tôi nghĩ rằng Hoàng Anh cần hóa đơn để đi vay tiền nên chúng tôi đã xuất hóa đơn, liên 1 cho Hoàng Anh.

Tòa: Khi Cửu Long ký EPC với Hoàng Anh, ký có theo chỉ đạo của Vinashin hay không?

- Không, khi đó là độc lập, bị cáo không chịu chỉ đạo.

Theo TNO

Bình luận
vtcnews.vn