Ngày thơ 2011 nhộn nhịp người nhưng vẫn kém vui

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 17/02/2011 03:37:00 +07:00

(VTC News) – Ngày thơ lần thứ IX năm nay kém vui. Dường như có điều gì vội vã, ẩu thả khi dựng chương trình làm khách thơ không thấy hài lòng.

(VTC News) – Thêm một Ngày thơ diễn ra và Nàng Thơ thêm một lần được tôn vinh. Nhưng Ngày thơ lần thứ IX năm nay kém vui. Dường như có điều gì vội vã, ẩu thả khi dựng chương trình làm khách thơ không thấy hài lòng. (>> Chùm ảnh Chen chân vào Văn Miếu xem Ngày thơ)

 

Đêm qua mưa lạnh nên việc khai mạc Ngày thơ cũng đã phải lùi lại chút ít thời gian để khách thơ tề tựu đủ đông. Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm nay (17/2) đúng vào rằm Nguyên tiêu đông đúc và nhộn nhịp. Người đến lễ thánh Khổng, người đến với thơ. Phần trang trí cho ngày thơ năm nay trịnh trọng và sinh động. Ngày hội có cả thơ, cả những dãy đèn lồng treo bên tường Khuê Văn, âm nhạc… Nhưng nội dung chính là thơ thì lại hơi nhạt nhòa.

 

Dọc con đường đi vào trung tâm chính của Ngày thơ là thảm đỏ trịnh trọng. Hai bên cạnh là triển lãm thơ của các câu lạc bộ và rất nhiều bàn bán sách giảm giá. Nhất cử lưỡng tiện, đến với thơ vẫn có thể kiếm cho mình những cuốn sách văn học được giảm giá từ 30 đến 50% so với giá bìa. Khu vực này cũng thu hút khá đông người.

 

 
Khu trung tâm Thiền Quang Tỉnh, BTC bày tượng các nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, các poster sách Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được dịch ra nhiều thứ ngôn ngữ trên trên giới. Triển lãm thư pháp Nhật ký trong tù được các thư pháp gia Trung Quốc và Nhật Bản thực hiện. Nhưng thư pháp in trên giấy cán nhựa, treo trên tường thành thử cũng không gây được nhiều hiệu quả thẩm mỹ.

 

Như được thông báo trước đó, các sân thơ và các hoạt động của ngày hội được sân khấu hóa, thực hiện theo kịch bản để tiến tới một không gian Ngày thơ chuyên nghiệp. Nhưng có lẽ, việc duyệt kịch bản, và tổng duyệt chương trình không được thực hiện kỹ càng nên Ngày thơ có phần kém vui, tẻ nhạt và ít nội dung như mong muốn.

 

Buồn nhất có lẽ là sân thơ thiếu nhi được tổ chức bên Hồ Văn của khu di tích Văn Miếu, cách khu chính bên kia đường nên ít nhận được sự quan tâm. Sân thơ này vẫn do NXB Kim Đồng thực hiện. Các em thiếu nhi có lẽ bận đi học nên cũng không thấy xuất hiện nhiều ở sân thơ này.

 

Sân thơ chính năm nay thu hút nhiều công chúng thưởng lãm hơn nhưng cũng không có nhiều điều đáng nói. Việc đổi dàn trống hội thành dàn kèn trong phần nghi lễ rước đất và nước thiêng từ suối Lê Nin và Di tích Làng Sen đã diễn ra trong không khí khá trang trọng nhưng thiếu sự hùng dũng cần thiết. Những bài thơ, những bài hát phổ thơ được trình diễn ở sân thơ này cũng không có dấu ấn. Có lẽ, cảm nhận sự tinh tế của thi ca cần một không gian lắng đọng hơn chăng? Cũng ở sân khấu này, phần thả 50 câu thơ được lựa chọn và tôn vinh lên trời có lẽ là phần đáng chú ý nhất. Người ta lắng nghe những câu thơ được tôn vinh và háo hức nhìn theo những câu thơ bay phấp phới trên bầu trời xanh cùng với những quả bóng.

 

 Múa minh họa cho phần đọc thơ của nhà thơ Phan Huyền Thư.
Sân thơ trẻ vốn được chú ý trong nhiều kỳ tổ chức trước năm nay được mở rộng thành sân thơ hiện đại. Thế nhưng, việc thay trình diễn, sắp đặt thơ bằng cách đọc thơ truyền thống khiến cho sân thơ trở nên tẻ nhạt. Các nhà thơ trẻ đọc những con chữ của mình trong không khí ồn ã và dường như ít ai quan tâm. Lác đác tiếng vỗ tay. Những câu thơ được sáng tác bằng suy tư, bằng tình yêu đôi khi được minh họa bằng một vài màn trình diễn kèm theo của diễn viên kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ. Tiếc rằng, người ta khó có thể yêu và đồng cảm với những màn trình diễn như thế này. Trong số các nhà thơ được đọc thơ trên sân thơ hiện đại, có những người tỏ ra lúng túng với chính con chữ của mình. Và những câu thơ trở nên có phần rời rạc hay khó hiểu, có cảm giác các nhà thơ rơi vào lạc lõng trong không khí ồn ã. Có những phần trình diễn mà khâu chuẩn bị chưa kỹ càng nên không truyền tải được cái tinh thần của thơ.

 

Nói là mở rộng biên độ của thơ trẻ, nhưng kỳ thực, sân khấu thơ hiện đại vẫn là những gương mặt thơ của những năm cũ. Ở đâu đó người ta gặp Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Quang Hưng, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Mở rộng để cách tân, mở rộng để chào đón những nhân tố thơ mới trong dòng chảy của đời sống thi ca, nhưng, số nhà thơ đổi mới mình để thấy cái gai góc của đời sống, dường như vẫn ít.

Màn đọc thơ của Vi Thùy Linh và trình diễn phụ họa của Đào Anh Khánh. 
 

Công bằng mà nói, phần trình diễn được chờ đợi nhất ở sân thơ hiện đại là phần đọc thơ của Vi Thùy Linh và phần phụ họa của Đào Anh Khánh. Cô gái thơ đọc hai bài thơ của mình. Còn Đào Anh Khánh, quay cuồng và có khi nằm ra sân khấu với mảnh lụa hai màu đen trắng. Sẽ có nhiều người tìm hiểu nội dung hay ý nghĩa của màn trình diễn của Đào Anh Khánh. Có người sẽ phớt lờ như người ta hờ hững với những phần đọc thơ trước đó.

 

Ngần đó sự kiện diễn ra, ngần ấy con người náo nức chờ đợi sự đổi mới của ngày thơ nhưng sự đáp trả chưa thật xứng đáng. Với tình yêu thi ca, người ta vẫn sẽ mỉm cười và chờ đợi những ngày thơ tiếp theo. Bởi ít nhất, đây cũng là dịp hiếm hoi để những người yêu thơ được gặp nhau và hàn huyên nhiều chuyện.

 

Trần Lê

Ảnh: Văn Trinh 

 

Bình luận
vtcnews.vn