• Zalo

'Ngày Tết tôi chỉ muốn về quê, rồi tặng cháu nội bộ quần áo mới'

Tin nhanh 24hThứ Tư, 02/02/2022 08:30:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Đó là chia sẻ của bà Thanh (53 tuổi, quê Bình Thuận, ngụ tại TP.HCM), làm nghề thu gom phế liệu khi được hỏi về mong mỏi của mình trong dịp Tết năm nay.

Mong mỏi của bà Thanh, cũng là tâm tư của không ít người lao động tự do nghèo khó khác tại TP.HCM dịp Tết, sau một năm khốn khó vì dịch COVID-19. Những ngày Tết bình yên bên người thân, để cùng đón thời khắc giao thừa nơi quê hương của mình, vì đại dịch mà trở nên xa vời hơn với họ... 

Trong khi trao đổi với phóng viên VTC News về câu chuyện của mình, đôi bàn tay thô ráp của bà Thanh vẫn nhanh nhẹn xếp gọn các thùng giấy vụn để đem đi bán phế liệu.

'Ngày Tết tôi chỉ muốn về quê, rồi tặng cháu nội bộ quần áo mới'  - 1

Bà Thanh đi thu mua ve chai, phế liệu những ngày cuối năm.

Hơn 15 năm vào TP.HCM mưu sinh cũng là ngần ấy năm bà Thanh phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền. Nhưng năm nay lại vô vàn khó khăn không chỉ với riêng bà mà còn với nhiều lao động tự do khác, khi TP.HCM đã trải qua đợt dịch tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Thành phố giãn cách xã hội, người lao động tự do quanh năm đi ở trọ như bà buộc phải ở trong căn phòng chật hẹp, không đi làm, không có thu nhập, mọi chi phí sinh hoạt, thực phẩm đều trồng chờ vào chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Từ đầu tháng 10/2021, TP.HCM bắt đầu nới lỏng các hoạt động cũng là lúc bà Thanh mò mẫm ra đường để làm công việc quen thuộc của mình.

Từ 6h sáng bà đã ra khỏi nhà, 7 - 8h tối mới về, nhưng thu nhập mỗi ngày chỉ được chừng 100 - 150 nghìn đồng, cũng tạm đủ cho bà trang trải chi phí sinh hoạt và tiền trọ mỗi tháng.

Tết đã ở rất gần, không khí mùa xuân đã bắt đầu len lỏi đến từng con đường, góc phố ở thành phố náo nhiệt bậc nhất cả nước, nhưng với bà Thanh, Tết dường như vẫn còn ở rất xa.

"Tôi chạy ăn từng bữa đã quen lắm rồi. Tết mà, ai cũng muốn về nhà, để được bên những người thân yêu nhưng đối với tôi đã nhiều năm không về quê hương chỉ vì điều kiện quá khó khăn. Tôi chỉ mong về quê để tặng cháu nội một bộ quần áo mới", bà Thanh tâm sự.

Ở hoàn cảnh tương tự, chị Quỳnh Như (39 tuổi, quê Khánh Hòa, ngụ tại nhà trọ thuộc quận Bình Thạnh) chia sẻ, hơn 10 năm qua, từ khi bước chân vào TP.HCM làm giúp việc chưa khi nào chị trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Hàng ngày, chị Như làm giúp việc theo giờ cho nhiều gia đình ở các khu chung cư, còn chồng đi giữ xe thuê, thu nhập ít ỏi, tằn tiện lắm mới đủ chi phí sinh hoạt cho hai vợ chồng và 2 đứa con nhỏ.

'Ngày Tết tôi chỉ muốn về quê, rồi tặng cháu nội bộ quần áo mới'  - 2

Chị Như cho biết, năm nay kinh tế khó khăn nên cả gia đình sẽ ở lại TP.HCM ăn Tết.

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, cả gia đình chị Như đều bị nhiễm bệnh và may mắn đã vượt qua, nhưng tất cả số tiền dành dụm bao lâu nay đã chi tiêu hết cho việc điều trị bệnh cùng với chi phí sinh hoạt trong gia đình những ngày giãn cách, không có việc làm. Giờ đây, vợ chồng chị lại cố gắng bắt đầu lại từ đầu.

"Những dịp Tết trước, vợ chồng tôi luân phiên về quê, chứ đi cả gia đình thì không đủ điều kiện, nhưng năm nay lại khác, tiền không còn nên cả nhà ở lại thành phố đón Tết vậy", chị Như chia sẻ.

Cách chỗ của chị Như vài căn phòng trọ là nơi ở của bà Đỗ Thị Mỹ Duyên (62 tuổi, quê Tiền Giang) sống. Bà Duyên làm nghề bán bún bò vỉa hè đã gần 30 năm, thu nhập cũng chẳng được là bao. Lúc rảnh rỗi bà lại đi nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập.

Chồng mất sớm, một tay bà nuôi nấng đứa con trai duy nhất trưởng thành và đỗ đại học, nhưng rồi vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, con trai bà đã nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ giúp cho mẹ.

'Ngày Tết tôi chỉ muốn về quê, rồi tặng cháu nội bộ quần áo mới'  - 3

Bà Duyên sống trong căn phòng trọ chật hẹp, Tết đối với bà giờ đây cũng như bao ngày thường khác.

Tết đối với bà như là một điều gì rất xa xỉ, mặc dù khoảng cách giữa TP.HCM và Tiền Giang - quê bà không xa, nhưng đã 7 năm qua chưa một lần bà về quê ăn Tết. Năm nay, cả hai mẹ con dự định về quê đón Tết, nhưng rồi dịch bệnh xảy ra, hơn 4 tháng không có việc làm, không có thu nhập, nên ý định đó đành bỏ qua một bên. 

"Năm nay sẽ như những ngày thường thôi, không trái cây, không thịt, bánh tét... Ngày cuối năm, tôi sẽ nấu một nồi chè đậu đỏ đặt lên ban thờ người chồng quá cố của mình vậy thôi", bà Duyên tâm sự.

Tết đã ở rất gần, có lẽ bà Duyên, bà Thanh và chị Như cùng nhiều người lao động khác ở TP.HCM không có điều kiện về quê đón Tết đều mong mỏi năm mới đến sẽ có nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi để hẹn mùa xuân sau được về bên người thân, gia đình. 

Thế Quang
Bình luận
vtcnews.vn