Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 là 66,87 USD một thùng, RON 95 ở mức gần 69 USD một thùng, tăng 6-7% so với kỳ trước. Do đó, trong kỳ điều chỉnh mới 2/3, giá xăng và dầu có thể tăng mạnh.
Chia sẻ với PV, giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho hay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao, có thời điểm gần 70 USD một thùng. Hiện giá xăng trong doanh nghiệp nhập vào tăng 800-900 đồng một lít.
Trong khi đó, các kỳ điều chỉnh trước, cơ quan quản lý trích và chi sử dụng quỹ nên giá xăng được giữ nguyên. Do đó, kỳ điều chỉnh ngày mai, nếu cơ quan quản lý không trích sử dụng Quỹ bình ổn thì giá có thể tăng 600 - 800 đồng một lít. Ngược lại, nếu cơ quan trích và tăng chi sử dụng quỹ theo tỷ lệ 50/50 (vừa chi sử dụng quỹ vừa tăng giá) thì xăng dầu có thể chỉ tăng 300 - 500 đồng một lít.
Tại kỳ điều chỉnh 15/2, nhà điều hành quyết định tăng xả quỹ bình ổn để giữ giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Mức xả quỹ bình ổn với xăng E5 RON 92 tăng thêm 259 đồng một lít; xăng RON 95 là 350 đồng một lít. Mức chi Quỹ bình ổn với các mặt hàng dầu cũng tăng 351 - 503 đồng một lít/kg. Ngoài ra, các mặt hàng xăng, dầu vẫn tiếp tục được chi thêm 300 đồng một lít/kg từ quỹ này theo quy định hiện hành.
Theo đó, giá bán lẻ tối đa mỗi lít xăng E5 RON 92 là 16.272 đồng; xăng RON 95 là 17.603 đồng. Các mặt hàng dầu dao động ở 13.275 - 14.909 đồng một lít/kg tuỳ loại.
Việc giữ nguyên giá bán lẻ trong nước được liên Bộ giải thích nhằm điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Trước đó, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) công bố số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu cuối năm 2018 còn hơn 3.500 tỷ đồng, giảm 1.600 tỷ so với cùng kỳ 2017. Trong năm 2018, quý III là giai đoạn phải sử dụng nhiều Quỹ bình ổn nhất (khoảng hơn 773 tỷ đồng).
Bình luận