Theo lịch trình, trong ngày khai mạc (23/10), từ 7h15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8h, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp. Đúng 9h, Quốc hội họp phiên khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thừa tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Trước đó, tại buổi Họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 11 ngày làm việc để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về các dự án Luật.
Cụ thể, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác. Các dự án Luật được xem xét thông qua gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số diều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Các dự án Luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật đo đạc và bản đồ; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày làm việc để tiến hành công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, về các vấn đề kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số dự án quan trọng của đất nước như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Về hoạt động giám sát của Quốc hội, do đây là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các báo cáo công tác. Trong đó Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Trong đó có một số báo cáo lần đầu được thảo luận tại kỳ họp như: Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội cũng dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận tại Đoàn và tại Hội trường để xem xét, bỏ phiếu phê chuẩn việc miễn nhiệm và phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Video: Lý do Luật Biểu tình chưa trình ra Quốc hội
Bình luận