Chiều 9/1, các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho bị cáo trong phiên toà vụ Việt Á.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc (GĐ) CDC Bình Dương - luật sư cho biết không có ý kiến về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy buộc đối với thân chủ của mình.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng, sai phạm tại CDC Bình Dương hoàn toàn khác biệt và rất đặc biệt với các trường hợp khác tại vụ án này.
Theo luật sư, ông Danh là cá nhân ở tuyến đầu chống dịch lại không vụ lợi, nhưng vì không có chuyên môn kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu để ngăn cản chủ trương, chỉ đạo sai của cấp trên nên đã sai phạm.
"Bị cáo Danh có sai phạm, nhưng khởi nguồn từ việc tuân thủ sự chỉ đạo, chủ trương của Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bình Dương chứ không phải chủ động, tự ý, càng không phải cố ý thực hiện tội phạm", luật sư bào chữa cho bị cáo Danh trình bày.
Theo luật sư, bị cáo Nguyễn Thành Danh không vụ lợi hay nhận bất cứ lợi ích gì trong vụ án này. Khi được Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Danh đã quyết liệt từ chối không chỉ một mà nhiều lần.
“Điều này thể hiện rõ khi CDC Bình Dương mượn kit test để sử dụng, bị cáo Danh đều có văn bản mượn hàng rõ ràng; bị cáo cũng báo cáo giá kit test và việc mượn hàng của Công ty Việt Á cho Sở Y tế, Ban chỉ đạo, tổ tư vấn hỗ trợ công tác mua sắm tỉnh tại các cuộc họp phòng chống dịch. Tất cả đều minh bạch và rõ ràng vì bị cáo nghĩ đây là việc cần làm để chống dịch, bảo vệ tính mạng người dân”, lời luật sư bào chữa nói.
Cùng với đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại bối cảnh xảy ra sai phạm tại CDC Bình Dương. Theo luật sư, khi vừa xảy ra dịch, tỉnh Bình Dương phải liên tục phải họp khẩn, các công điện khẩn chỉ đạo xuống phải “thực hiện mọi biện pháp đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên diện rộng để có phương án phong tỏa, giãn cách xã hội cho phù hợp, hiệu quả, dập dịch một cách sớm nhất có thể…”.
Khó khăn, áp lực, quy mô lây nhiễm, lan rộng của dịch COVID-19 tại Bình Dương vô cùng to lớn, là địa phương có số lượng ca nhiễm lớn thứ 2 trong cả nước và nhiều thứ nhất về tỷ lệ ca nhiễm trên số dân.
Luật sư dẫn chứng và cho rằng, việc khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vaccine đều tập trung về CDC Bình Dương, tạo ra áp lực công việc vô cùng to lớn, trong khi CDC Bình Dương mới sáp nhập và hoạt động từ 1/7/2019, chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức và thiếu nhân lực có chuyên môn đấu thầu. Theo luật sư, bị cáo Danh phạm tội là do hoàn cảnh và tình thế bức thiết.
Luật sư cho biết thêm, bị cáo Danh đã xin nghỉ hưu trước hạn nhưng vì dịch nên đồng ý tiếp tục ở lại để chống dịch, đăng ký tham gia vào tuyến đầu.
Ngày bị cáo nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can.
“Chúng tôi mong HĐXX xem xét các nội dung trên, cân nhắc thấu đáo giữa công và tội, giữa lý và tình để từ đó cho bị cáo Danh được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt là miễn trách nhiệm hình sự để bị cáo có cơ hội được tiếp tục ở bên gia đình sau hơn nửa đời người phục vụ trong ngành y tế”, luật sư đề nghị.
Trong bản luận tội của Viện Kiểm sát, ông Nguyễn Thành Danh bị đề nghị mức án 10 tháng 4 ngày. Mức án này bằng với thời hạn tạm giam để điều tra về tội "Vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng".
Cáo trạng thể hiện, khi tình hình dịch bệnh bùng phát, CDC Bình Dương sử dụng kit test của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Tuy nhiên, CDC Bình Dương đã thực hiện chủ trương mượn kit test, vật tư của Công ty Việt Á để sử dụng phòng chống dịch.
Khi đó, bị cáo Danh đã chỉ đạo nhân viên liên hệ với Công ty Việt Á, Công ty VNDAT để CDC Bình Dương ứng kit test sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán với giá do các doanh nghiệp trên đề nghị.
Bị cáo Danh đã chỉ đạo các nhân viên hoàn thiện, hợp thức hồ sơ thủ tục thầu, thẩm định giá để Công ty Việt Á trúng 4 gói thầu chỉ định, một gói đấu thầu rộng rãi, tổng 79.000 kit test, trị giá hơn 37,4 tỷ đồng.
Sau khi Công ty Việt Á được CDC Bình Dương thanh toán tiền, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo nhân viên tính toán phần trăm ngoài hợp đồng để cảm ơn ông Tiêu Quốc Cường - cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương hơn 1,2 tỷ đồng; Lê Thị Hồng Xuyên - nhân viên xét nghiệm CDC Bình Dương hơn 1 tỷ đồng.
Công ty Việt Á còn chi 4,2 tỷ đồng cho bị cáo Danh và Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nhưng 2 ông này không nhận.
Bình luận