Sáng 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".
Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là năm thứ 2 liên tiếp, sự kiện chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Theo mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu để hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được phồn vinh, ấm no và hạnh phúc.
Theo Thủ tướng, năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển. Do đó, Việt Nam cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Trong thời gian qua, việc tạo lập và khai thác dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng dữ liệu số; số hóa dữ liệu.
Theo đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; Cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 9,2 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỉ lệ 95%).
Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hàng ngày, hàng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Tính tiên phong của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… trong triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, thanh toán và dịch vụ gia tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam thời gian qua.
Bình luận