Ngày báo chí Việt Nam, kể chuyện này để khẳng định: mục đích cuối cùng của báo chí thể thao là cố gắng mang lại sự vui vẻ chứ không phải...
Có một câu chuyện khá sốc liên quan đến cánh phóng viên, ngay bên lề trận Ukraine- Anh. Số là sau trận đấu, khi bị tay phóng viên đưa ra những câu hỏi nhạy cảm, đụng chạm đến đời tư của mình, HLV Blokhin đã nổi cáu và đề nghị tay phóng viên này ra ngoài vào 'nói chuyện như hai thằng đàn ông với nhau'.
Tất nhiên chẳng có phóng viên nào dại dột “nói chuyện chân tay” với một HLV- vì bản chất phóng viên chỉ giỏi võ…mồm chứ ít khi có võ thật. Vì thế đã không có cuộc ẩu đả đáng tiếc nào.
Vấn đề ở đây là đôi khi các nhà báo vẫn hay tỏ ra nguy hiểm, nghĩ rằng mình đủ khả năng và trình độ để dạy các HLV những bài học về chiến thuật và chiến lược trong bóng đá. Điều này dẫn đến tình huống trớ trêu là một người được trả lương còm lại sẵn sàng bình phẩm, phán xét công việc của những chuyên gia được đào tạo và được trả lương cả triệu USD.
Nhưng nếu không phê phán, bình phẩm thì các phóng viên sẽ làm gì?
Cũng thật khó phân định rõ ràng, phóng viên theo dõi bóng đá không nhất thiết phải biết xỏ giày và có thể chạy 90 phút trên sân. Ngược lại, HLV cũng không nhất thiết phải biết viết báo hoặc giỏi vi tính. Tất nhiên vẫn có những người làm tốt cả hai việc này, nhưng hiếm.
Cách đây hai năm, chuyên mục “Cà phê 24h” có kể một câu chuyện giả tưởng đại để rằng nhân một giải bóng đá lớn, một phóng viên Việt Nam tình cờ chộp được Vua bóng đá Pele. Trong câu chuyện, Pele muốn được làm…cộng tác viên bản báo, đặc biệt là ở mục dự đoán các trận đấu. Anh phóng viên phát hoảng gọi điện về tòa soạn, ông Tổng biên tập tỉnh đòn kiên quyết từ chối. Lý do ông Pele này có lịch sử dự đoán sai tới mức cứ đội nào được Pele “ưu ái” là y như rằng vò đầu bứt tai, coi như chắc …chết.
Thành ra, nếu mời Pele làm BTC dự đoán thì tòa soạn có khi sẽ rơi vào tình trạng “cạp …báo ra mà ăn”.
Ông Pele, tất nhiên là đá bóng giỏi. Ở khía cạnh nào đó, cũng là người có thể “chém gió” đại tài.
Và hầu hết các phóng viên tự coi mình không giỏi như Pele nên thoải mái dự đoán theo đúng phương châm “ nói sai thì ngày mai nói lại”.
Có lẽ báo chí thể thao là thứ báo chí cho mình cái quyền duy nhất là được đưa những thông tin sai lệch (trong việc dự đoán tỷ số) mà không cần phải bất kỳ dòng đính chính nào trong số báo ngày hôm sau.
Nhưng bạn đọc, người hâm mộ ngày càng tinh tường và thông thái hơn. Và cũng như anh phóng viên tự cho mình là giỏi hơn HLV kia, mỗi người hâm mộ khi xem các trận đấu đều nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn tay BLV đang nói lạc cả giọng trên truyền hình. Thậm chí mỗi người đều tin chắc nếu đưa đội bóng vào tay mình, kết quả sẽ tốt hơn.
Thế nên, cái gọi là “thảm họa BLV truyền hình” dịp EURO này, nhắm vào một vài BLV trẻ, thực tế cũng bắt nguồn từ đòi hỏi khắt khe từ phía người hâm mộ.
Trong bóng đá, thỉnh thoảng người ta cho qua những sai lầm của trọng tài, của HLV và cầu thủ thì tại sao lại không “bình thường hóa” sai lầm của BLV?
Ngày 21/6, kể chuyện này để khẳng định: mục đích cuối cùng của báo chí thể thao là cố gắng mang lại sự vui vẻ chứ không phải khiến người ta tức giận để rồi phải “…nói chuyện như hai thằng đàn ông”.
Song An (Thể thao 24h)
Bình luận