Không thuận lợi như đồng nghiệp nam nhưng các doanh nhân nữ Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng và gặt hái được nhiều thành công. Nhân ngày 20/10, cùng VTC News “điểm danh” 10 phụ nữ giàu có, quyền lực nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong suốt nhiều năm qua, bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup luôn là người phụ nữ giàu có và quyền lực nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Về tiền bạc, bà thường xuyên đứng ở vị trí số 1 với khối tài sản khổng lồ.
Chốt phiên giao dịch ngày 19/10, cổ phiếu VIC tăng 900 đồng/CP lên 43.800 đồng/CP. Nhờ đó, khối tài sản của phu nhân ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tăng lên 5.465 tỷ đồng.
Hiện tại, bà Hương đứng ở vị trí thứ 4 với 5.465 tỷ đồng, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup; ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Về quyền lực, bà Hương là một trong những người có ảnh hưởng lớn tới Vingroup, Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hàng đầu hiện nay. Vingroup là một trong những đơn vị có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam với 115.532 tỷ đồng.
Đứng ngay sau bà Phạm Thu Hương là em gái Phạm Thúy Hằng. Bà Hằng cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup. Với khối tài sản 3.651 tỷ đồng, bà Hằng đứng ở vị trí 6 trong danh sách những người giàu nhấ sàn chứng khoán Việt Nam.
Mặc dù nắm giữ những chức vụ quan trọng tại 1 tập đoàn lớn và sở hữu những khối tài sản khổng lồ nhưng hai chị em bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng rất kín tiếng. Từ trước tới nay, chưa có bất cứ tấm hình nào của 2 nữ đại gia họ Phạm rò rỉ với giới truyền thông.
Trong khi đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vĩnh Hoàn lại không “ngại” xuất hiện. Bà Khanh đứng ở vị trí thứ 8, với 2.529 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ xét trong danh sách dành riêng cho phụ nữ, bà Khanh đứng ở vị trí thứ 3. Bà Khanh là người có ảnh hưởng nhất ở Vĩnh Hoàn, một trong những công ty thủy sản lớn.
Khác với bà bà Hương, bà Hằng, bà Khanh, bà Vũ Thị Hiền không nắm giữ bất cứ chức vụ nào tại công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Nhưng không vì thế mà bà Hiền kém quyền lực. Với việc sở hữu lượng cổ phiếu rất lớn HPG trị giá 2.202 tỷ đồng, ảnh hưởng của bà Hiền không hề nhỏ tại một trong những Tập đoàn thép hàng đầu Việt Nam.
Ảnh hưởng của bà Hiền còn lớn hơn khi bà là vợ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát. Cũng như bà Hương, bà Hằng, bà Vũ Thị Hiền rất kín tiếng và chưa xuất hiện lần nào trên mặt báo.
Mặc dù đã rời ra khỏi Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng không vì thế mà quyền lực của bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan giảm sút. Cổ phiếu Masan giúp bà Yến có khối tài sản trị giá 1.880 tỷ đồng.
Không chỉ có tiếng nói lớn tại Masan, bà Yến còn là thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần VinaCafé Biên Hòa, công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo.
Có lẽ, Vingroup là nơi “sản sinh” nhiều phụ nữ quyền lực nhất. Bên cạnh bà Phạm Thu Hương, bà Phạm Thúy Hằng, bà Phan Thu Hương cũng lọt vào Top 10 phụ nữ giàu có, quyền lực nhất khi sở hữu khối tài sản trị giá 1.296 tỷ đồng. Bà Phan Thu Hương không tham gia điều hành công ty mà chỉ là cổ đông lớn.
Mặc dù gia đình có nhiều biến cố nhưng bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên vẫn duy trì được sức mạnh của mình. Bên cạnh việc là thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng Việt Nam Thương Tín, bà Lan còn có ảnh hưởng tới ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) nhờ sở hữu lượng cổ phiếu ACB trị giá 755 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ sau khi bầu Kiên bị bắt, lượng cổ phiếu của bà Lan và bầu Kiên đã bị phong tỏa. Vì vậy, lượng cổ phiếu này không thể giao dịch được trên thị trường. Vì vậy, sự giàu có của bà Lan chỉ mang tính “sổ sách”.
Ngoài ra, Top 10 phụ nữ giàu có, quyền lực nhất sàn chứng khoán Việt Nam còn kéo dài với bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ (743 tỷ đồng), bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Tổng công ty sữa Việt Nam (591 tỷ đồng) và bà Trận Ngọc Phượng (589 tỷ đồng).
Bình luận