• Zalo

Ngày 12/5, phi thuyền Việt Nam chế tạo sẽ đưa con người vào không gian

Giáo dụcThứ Hai, 16/03/2015 07:16:00 +07:00Google News

Phi thuyền do nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo thành công dự kiến sẽ đưa người vào không gian ngày 12/5 tới.

(VTC News) – Phi thuyền do nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo thành công dự kiến sẽ đưa người vào không gian ngày 12/5 tới.

Thông tin này được đại diện nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo thành công phi thuyền không người lái khẳng định chiều qua (15/3). 
Phạm Gia Vinh tại phòng điều khiển bay thử nghiệm phi thuyền ở
Hyderabad, Ấn Độ
 

“Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ thử nghiệm thiết bị bay đưa người vào không gian ngày 12/5,” Phạm Gia Vinh – kiến trúc sư trưởng nhóm kỹ sư chế tạo phi thuyền nói với phóng viên VTC News.

Theo đó, cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành tại thị trấn Alice Springs, Australia. Để có sự hỗ trợ tốt nhất, nhóm kỹ sư thuộc Công ty Đông Giang, chuyên chế tạo máy bay mô hình và thiết bị bay không người lái xuất khẩu, đã bắt tay hợp tác với công ty công nghệ InGenius của Singapore chế tạo phi thuyền không người lái từ giữa năm ngoái.

Video đưa chuột lên vũ trụ bằng phi thuyền không người lái

Anh Phạm Gia Vinh cho hay, trước khi thử nghiệm đưa người vào không gian, nhóm anh sẽ thử nghiệm phi thuyền không người lái mang theo thiết bị nghiên cứu khoa học và thiết bị liên lạc vệ tinh vào cuối tháng 4/2015. 

Cuộc thử nghiệm bay sẽ được tiến hành trong thời gian tối thiểu 3 giờ và trần bay 25km trở lên. Ngay sau đó, nhóm sẽ thử nghiệm thiết bị hạ cánh chính xác, thử nghiệm khả năng bay có điều khiển và bay tự động. 

Sau đó, nhóm của Phạm Gia Vinh sẽ thử nghiệm thiết bị bay có người lái ở độ cao 7km, 15km, và tiến tới 30km - vùng cận vũ trụ có độ cao gấp 3 lần trần bay tối đa của máy bay thương mại hiện nay. 

Thành công ở độ cao 29,5 km

Trước đó, vào chiều qua, từ thành phố Hyderabad (Ấn Độ), nơi thử nghiệm thiết bị bay do nhóm kỹ sư Việt Nam chế tạo, Phạm Gia Vinh cho phóng viên VTC News biết, con tàu không người lái đã được thử nghiệm thành công ở độ cao 29,5km. 

Sau gần 2 tiếng đồng hồ bay ở độ cao cận vũ trụ, phi thuyền mang theo 3 con chuột đã trở về trái đất an toàn trong niềm vui bất tận của nhóm nghiên cứu, chế tạo.

Các thông số kỹ thuật bay thử nghiệm lần 2 tại phòng điều khiển bay 

Hãng tin Chanel News Asia cũng đã tường thuật đậm nét về sự kiện này. Đây là chuyến bay thứ hai thử nghiệm thành công. 

Vào những ngày cuối năm, cũng tại Hyderabad, phi thuyền của nhóm kỹ sư Công ty Đông Giang đã bay thành công ở độ cao 23km.

Theo anh Vinh, chuyến bay thứ hai với mục đích kiểm tra lần nữa các thiết bị hỗ trợ sự sống, thông tin liên lạc và kiểm soát. Con tàu có khối lượng 200kg.

Phạm Gia Vinh cho hay, thiết bị đạt độ cao 29,5km, duy trì trong thời gian 110 phút và có thể lên cao hơn. Tuy nhiên, kiểm soát không lưu yêu cầu hạ độ cao do thời gian đăng ký bay đã hết.

“Thiết bị giảm chấn khi tiếp đất hoạt động đúng như mong đợi hạn chế gia tốc khi va chạm xuống dưới 5g với vận tốc hạ cánh 5m/s,” Phạm Gia Vinh nói.

Bước tiến lớn ngành công nghệ vũ trụ

Thiết bị bay này, theo Phạm Gia Vinh, có thể sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ phục vụ an ninh quốc phòng đến các mục đích dân sự, nghiên cứu khoa học.

Với tầm bay từ 30 đến 50 km, thiết bị này cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của trái đất. 

Từ độ cao đó, thiết bị bay có thể gửi dữ liệu, ảnh đa phổ trực tiếp về hiện trường. Các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn nước, độ phủ xanh của đất, quan sát được mầm bệnh của cây trồng.

Khí cụ bay này cũng có thể mang các thiết bị quan sát, nghiên cứu tia vũ trụ và mang các thiết bị nghiên cứu ở môi trường cận vũ trụ. 
Toàn cảnh buổi thử nghiệm lần thứ 2 tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ)
Khí cụ còn có thể kiểm nghiệm các thiết bị vệ tinh (camera, ăng ten, radar v.v.) trước khi tích hợp và đưa ra ngoài không gian.

Ở độ cao khoảng 30 km, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão. 

Ưu điểm của thiết bị này có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về trái đất.

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa. 

Bên cạnh đó, khí cụ bay có thể làm các hệ thống radar phục vụ cho Quốc phòng và nghiên cứu khoa học.
Kết quả thu được sau cuộc thử nghiệm lần này là ba con chuột mang theo hoàn toàn khỏe mạnh.

Hệ thống hỗ trợ sự sống hoạt động tốt, duy trì áp suất và nhiệt độ ổn định cho sự sống (áp suất 0.97 MPa, nhiệt độ 27 độ C, nồng độ oxy 19,5% - 20,5%) trong điều kiện môi trường áp suất 0,01Mpa, nhiệt độ thấp nhất -80 độ C.

Thông tin liên lạc hoạt động ổn định vượt qua cả dự tính ban đầu và đạt khoảng cách 400km ở trần bay 30km; 110km ở trần bay 1km.

Việt Hà
Bình luận
vtcnews.vn