Chó ngao Tây Tạng có thể nặng tới 70 kg, nổi tiếng với khả năng chịu đựng chứng giảm oxy huyết, theo nghiên cứu công bố hôm 30/7 trên tạp chí Molecular Biology and Evolution.
Điều đó có nghĩa chúng có thể sinh tồn ở độ cao lớn, nơi không khí loãng đủ để giết chết các giống chó khác. Nhóm nghiên cứu phát hiện trong quá khứ, chúng từng lai giống với chó sói Tây Tạng, dẫn tới những thế hệ sau thừa hưởng đột biến gene mã hóa hai amino axit trong protein, cho phép máu của chúng hấp thụ và giải phóng oxy tốt hơn.
Từ những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học biết chó ngao và chó sói Tây Tạng có chung một cặp đột biến không xuất hiện ở giống chó khác. Nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra vai trò của amino axit biến đổi.
Hai chỉnh sửa ở gene thay đổi cách chó ngao và chó sói sản sinh hemoglobin, protein chứa sắt trong máu giúp vận chuyển oxy. Nhóm nghiên cứu so sánh hemoglobin của chó ngao và chó sói Tây Tạng với hemoglobin của những giống chó nhà khác. Họ nhận thấy chúng có ưu thế lớn về khả hấp thụ và giải phóng oxy trong điều kiện không khí loãng.
"Ở vùng cao, vấn đề là thu khí oxy bởi nồng độ oxy thấp hơn. Nếu bạn nghĩ về hemoglobin như nam châm hút oxy, nam châm này cần phải mạnh hơn", Tony Signore, nhà sinh vật học ở Đại học Nebraska-Lincoln, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Từ nghiên cứu gene, các nhà khoa học cho rằng từ xa xưa, chó sói Tây Tạng đôi khi có đột biến ở một đoạn ADN tĩnh. Ở thời điểm nào đó, đột biến được sao chép vào gene hoạt động, khiến chó sói sở hữu hemoglobin biến đổi.
Sau đó, loài vật di chuyển lên môi trường cao hơn. Nhóm chó sói có đột biến dần chi phối cả loài và trở nên phổ biến. Chó sói truyền gene biến đổi sang chó ngao Tây Tạng và những con chó có hemoglobin cũng trở nên nổi trội.
Bình luận