• Zalo

'Ngáo ộp’ trẻ bị phạt tiền: Cộng đồng mạng hoài nghi

Thời sự Thứ Năm, 01/08/2013 05:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đây là dự thảo nghị định mới của Bộ Công an đang "gây bão" trong dư luận.

(VTC News) – Đây là dự thảo nghị định mới của Bộ Công an đang "gây bão" trong dư luận.

Bộ Công an đã cho đăng lại và lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, các hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình có thể bị phạt từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; ép buộc thành viên gia đình thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ; nuôi các con vật, trồng các loại cây nhằm gây hại cho sức khỏe của thành viên gia đình tại nơi ở của thành viên đó; ép buộc thành viên gia đình phải xem, nghe, đọc những văn hóa phẩm đồi trụy, kinh dị.

Hành vi thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần đối phương cũng sẽ bị phạt tiền (Ảnh minh họa: Internet)
Hành vi thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần đối phương cũng sẽ bị phạt tiền (Ảnh minh họa: Internet) 

Đáng lưu ý, hành vi thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần đối phương cũng chịu mức phạt này.


Ngoài ra, những hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (như bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà người vợ hoặc chồng không muốn; không cho thành viên gia đình đọc sách, báo, nghe, xem chương trình phát thanh, truyền hình hoặc tiếp cận với thông tin đại chúng hàng ngày; cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó…) sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Nhiều ý kiến trái chiều

Không lâu sau khi Bộ Công an công bố dự thảo nghị định này, trên Facebook, nhiều người đã xôn xao bàn tán về hiệu quả cũng như tính khả thi của quy định trên.

Cư dân mạng Thạch Phạm chia sẻ: "Cái này ở các nước phát triển đã áp dụng từ lâu rồi. Việt Nam giờ mới đưa vào luật nên số ít người thấy lạ cũng là chuyện bình thường".

Một số thành viên đều đồng tình và ủng hộ với luật trên bởi họ cho rằng quy định đó rất thiết thực. Họ chỉ "lên án" tiêu đề bài báo nói trên bởi sẽ dễ gây hiểu lầm không đáng có.

Anh Vũ Thanh Tùng nêu quan điểm: "Đừng chỉ đọc cái tiêu đề bài báo, hãy đọc kĩ nội dung đi. Nếu không đưa vào luật, sau này nhỡ xảy ra sự vụ gì, luật còn nhiều lỗ hổng thì biết xử lý ra sao?".

Bảo vệ quan điểm ủng hộ của mình trước ý kiến từ các thành viên khác, Vũ Thanh Tùng viết: "Ở đây là nói đến việc dọa nạt thái quá đến mức làm tổn thương thần kinh trẻ em còn non nớt, tạo một sự hằn sâu trong ký ức. Không ít những trường hợp trẻ con đến khi lớn vẫn chịu những di chứng từ việc bị dọa hồi bé.

Ví dụ, những trẻ bị nhốt trong phòng tối hay không gian kín quá lâu có thể gây sự sợ hãi trong tư tưởng đến độ tạo thành bệnh sợ không gian khép kín. Việc đó được coi là hủy hoại sức khỏe tâm sinh lý của trẻ. Các bạn ném đá vì không hiểu hay cố tình không hiểu?".

Tuy nhiên, những người có ý kiến trái chiều cũng có những phân tích, lý lẽ phản biện của riêng họ.

Trên diễn đàn VOZ, không ít thành viên tỏ ra băn khoăn, nếu không “ngáo ộp” thường xuyên thì biết dỗ trẻ như thế nào?


Thành viên Ayase chia sẻ quan điểm: “Hết trò rồi hay sao mà bày ra cái này? Mà con ngáo ộp là con gì? Từ bé tới giờ thấy dọa nhiều rồi mà đã biết nó là con gì đâu”.

Hầu hết các thành viên đều cho rằng việc đề xuất như vậy là không khả thi.

Trên diễn đàn webtretho, thành viên khanhkhue124 viết: “Chắc phải thu thêm kinh phí để mấy chú mua camera gắn ở nhà tụi mình để xem có hù con không”.

Thành viên Evans hài hước đặt câu hỏi: “Thế nhỡ nhan sắc giống như ngáo ộp thì sao? Có bị phạt không? Mình thường bị mọi người nhận xét là: Nhìn như ngáo ộp”.

Thành viên Cherry lo ngại: “Sao không lo phạt cho đáng mấy kẻ hiếp dâm trẻ em, bóc lột sức lao động của trẻ mà lại phạt mấy cái tào lao này? Nhiều nhà toàn lôi bố, công an ra dọa trẻ để chúng chịu ăn. Thế thì có bị phạt không?”.

Thành viên Heomion91 bức xúc hơn: “Đến cả việc dạy dỗ con cháu trong nhà cũng bị quản nữa, càng ngày càng nhiều luật và dự luật quái thai”.

Thành viên Dungoc2008 cho rằng ý tưởng trên thì tốt, nhưng e khi thực hiện lại như quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng hoặc tè bậy nơi công cộng.


Lại một lần nữa, cư dân mạng đánh giá đây là kiểu ngồi trên trời làm luật của các nhà chức trách. Ngay cả những người ủng hộ quy định này cũng không khỏi băn khoăn về tính khả thi của luật khi áp dụng vào thực tế.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn