Bên hành lang phiên họp Quốc hội (QH) ngày 30/5, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH đã trả lời báo chí về sáng kiến thầy thuốc nói lời xin lỗi, cảm ơn bệnh nhân và chuyện siết vượt tuyến của ngành y tế.
- Vừa qua, trong các buổi tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên y tế, ngành y tế có đưa ra ý tưởng rất mới là thầy thuốc phải tập nói lời cảm ơn với bệnh nhân. Bà nghĩ như thế nào về sáng kiến này?Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.
Nói chung nói lời cảm ơn người dân không chỉ riêng ngành y tế mà bộ máy hành chính phục vụ công phải biết nói lời “cảm ơn, xin lỗi”.
Nhưng quan trọng hơn là chất lượng phục vụ như thế nào. Điều người dân mong muốn là chất lượng anh mang đến cho người ta nó đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người ta hay không, còn những thể hiện mang tính chất hình thức như cảm ơn, xin lỗi hay thái độ cư xử hòa nhã chỉ góp phần thêm cho mối quan hệ giữa người dân và bộ máy phục vụ. Nếu ngành y tế không nâng cao chất lượng thì có “xin lỗi, cảm ơn”, sự hài lòng của người dân cũng là chưa đủ.
- Theo bà chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế đã thực sự tốt chưa?
Ngành y tế đã có những nỗ lực, có những cơ sở phục vụ nhận được lời khen của người dân nhưng nói chung phần hạn chế vẫn còn nhiều như: quá tải bệnh viện, thái độ phục vụ, chất lượng phục vụ đặc biệt ở tuyến dưới…
Giám sát vừa rồi của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như phiên giải trình của Bộ Y tế cho thấy, vượt tuyến, trái tuyến đang tiếp tục tăng lên từ 2009 là 3 triêụ lượt bệnh nhân, 2010 là 9 triệu lượt và 2011 là 11 triệu lượt. Người bệnh nhân phải vượt tuyến trái tuyến càng tăng như thế cho thấy, người bệnh thiếu sự tin cậy ở tuyến dưới buộc phải vượt tuyến lên trung ương chấp nhận chỉ được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cho 30% viện phí.
Rõ ràng cần tiếp tục quan tâm đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các cơ sở điều trị tuyến dưới, một là để giảm tải cho tuyến trên và hai là nơi đó là nơi cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người dân, một số bệnh người ta có thể xử lý ngay tại cơ sở, không phải lên tuyến trên.
Nói như vậy tôi vẫn phải quay trở lại vấn đề quan tâm hàng đầu là nâng cao chất lượng, làm sao cho đồng đều giữa các tuyến. Làm sao người dân có thể lựa chọn đến tuyến xã, phường khi mắc bệnh nhẹ, nặng hơn mới tìm đến tuyến quận huyện và sau cùng mới lên tuyến Trung ương để điều trị.
- Trong phiên giải trình với Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH mới đây Bộ Y tế đã đề xuất siết chuyển tuyến để ngăn bệnh nhân tràn về tuyến trên, hạn chế quá tải bệnh viện? Quy định dường như lại làm khó người bệnh, thưa bà? Nếu ngành y tế không nâng cao chất lượng thì có “xin lỗi, cảm ơn”, sự hài lòng của người dân cũng là chưa đủ. Bà Trương Thị Mai
Tiền BHYT là do người dân đóng chứ không phải tiền của nhà nước, thực tế nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn như người nghèo, cận nghèo, người có công, lực lượng vũ trang, trẻ dưới 6 tuổi… còn lại cơ bản người dân bỏ tiền túi ra mua BHYT để người ta được khám chữa bệnh khi có bệnh. Như vậy bệnh viện phải có trách nhiệm phục vụ cho người ta gói dịch vụ cơ bản. Vì vậy không thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính.
Tôi cũng đã nói trong kết luận phiên giải trình của Bộ Y tế là phải hết sức cân nhắc vấn đề siết chuyển tuyến điều trị vì tiền do người dân nộp vào quỹ BHYT để được khám bệnh chữa bệnh. Khi mà người ta cảm thấy một số tuyến chưa đáng tin cậy, người ta phải lựa chọn tuyến trên, thì việc quan trọng của mình làm sao nâng cao chất lượng tuyến dưới để người dân có sự tin cậy.
Tôi cho rằng bản thân người bệnh cũng không muốn vượt mấy trăm cây số để chữa bệnh nhưng vì sinh mạng, sức khỏe của mình, người bệnh buộc phải vượt tuyến. Quỹ BHYT do người dân đóng góp và nếu ngân sách có tham gia mua BHYT thì cũng chỉ chiếm khoảng 40% còn 60% là do người dân. Ngành y tế cần phải thay đổi thái độ dịch vụ đối với chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân BHYT.
- Dự thảo sửa đổi Luật BHYT do Bộ Y tế xây dựng có đề xuất tăng mức đóng BHYT lên 6% mức lương cơ bản và giảm mức cùng chi trả, bà có đồng tình với đề xuất này không?
- Những việc này sẽ được xem xét trong việc trình dự thảo sửa đổi Luật BHYT trong dịp cuối năm nay. Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH đang tổ chức một đợt giám sát tối cao được sự phân công của QH. Khoảng tháng 10 sắp tới, chúng tôi sẽ trình ra bản giám sát tối cao về BHYT và trên cơ sở đó chúng tôi sẽ có những đề xuất sửa đổi… Vấn đề đồng chi trả cũng phải điều chỉnh nhưng điều chỉnh như thế nào cũng phải chờ báo cáo giám sát.
Theo Người lao động
Bình luận