• Zalo

Ngành Thông tin & Truyền thông 2014: Nhiều thành tựu nổi bật

Kinh tếThứ Năm, 19/02/2015 07:45:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Trương Minh Tuấn nói về những thành tựu của ngành trong năm 2014 và quy hoạch báo chí để phát triển trong những năm sắp tới.

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Trương Minh Tuấn nói về những thành tựu của ngành trong năm 2014 và quy hoạch báo chí để phát triển trong những năm sắp tới.

Nhiều thành tựu nổi bật

- Xin Thứ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông trong năm 2014 vừa qua cũng như những điểm hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới?

Năm 2014, công tác quản lý Nhà nước về Thông tin và Truyền thông được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin…

Một số thành tựu nổi bật như: Bộ đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn 
Bộ TT&TT cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, được nhân dân đồng tình.


Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Bộ đã chủ động, linh hoạt và thường xuyên có định hướng, chỉ đạo các địa phương, các cơ quan báo chí tập trung thông tin, phản ánh chân thực, toàn diện, khách quan về cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sự kiên cường, dũng cảm của các lực lượng và của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo để nhân dân trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn tình hình thực tế, góp phần động viên khích lệ tinh thần yêu nước, cả nước cùng đồng lòng hướng về Biển Đông.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại Ngành cần tiếp tục khắc phục như: Tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gia tăng và còn nhiều bất cập trong công tác quản lý các đầu số thông tin di động.
    
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đang phải đối mặt với các vụ tấn công ngày càng phức tạp. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn, an ninh chưa được các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đúng mức.

Các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường Internet để tuyên truyền, chống phá Đảng và nhà nước; kích động, xúi giục nhân dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

- Như Thứ trưởng vừa nói, trên mạng internet đã xuất hiện tình trạng nhiều trang blog cá nhân với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng và Nhà nước, nhằm chia rẽ Đảng và nhân dân. Năm 2015, Bộ TT&TT sẽ triển khai những giải pháp gì để tiếp tục ngăn chặn những luồng thông tin xấu độc hại trong không gian mạng?

Sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho người sử dụng, nhưng cũng gây ra một số tác hại không thể lường trước.

Hiện nay, trên mạng xã hội, nhất là các trang blog cá nhân, có một số blog chống đối quyết liệt Đảng và Nhà nước ta, nói xấu lãnh đạo, ví dụ như gần đây nhất có một số blog như Dân làm báo, Quan làm báo… và hàng loạt blog khác.

Với những thông tin độc hại, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn giải quyết sẽ gây tác động rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của người dân, gây sự hoài nghi trong xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xấu trên các blog cá nhân.

Đối với mạng xã hội, chúng ta không có chủ trương ngăn chặn. Tuy nhiên với những trang blog xấu, ngoài các biện pháp kỹ thuật thì chúng tôi đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các blog cá nhân phản động, đặt máy chủ từ bên ngoài. Các thông tin chính thống cần phải đi trước và chính xác thì mới ngăn chặn được những thông tin ngoài lề.

Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, nhất là đào tạo những phóng viên giỏi để có thể đấu tranh trực diện trên mạng. Muốn như vậy, phóng viên cần phải giỏi về công nghệ thông tin cùng với "bút sắc, lòng trong" thì đấu tranh mới hiệu quả.

Bên cạnh đó, chính những người tiếp cận thông tin trên mạng cũng cần phải tự trang bị kiến thức để chống lại những thông tin xấu, độc hại trên mạng, không để thông tin xấu lung lạc.

Tới đây, Bộ TT&TT sẽ có những biện pháp toàn diện, tiến tới tạo môi trường mạng phát triển lành mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội.

- Thưa Thứ trưởng, hiện Bộ TT&TT đã có biện pháp mạnh tay nào để xử lý các trang web "đen" xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng?

Thời gian qua, lợi dụng môi trường Internet, nhiều trang web "đen" được đặt máy chủ ở nước ngoài đã lợi dụng, có hành vi bôi nhọ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, gây hoài nghi trong xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân như các trang web “quan làm báo”, “dân làm báo”...

Video: Phỏng vấn thứ trưởng Trương Minh Tuấn 


Bộ TT&TT trong năm 2014 đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với các trang mạng "đen"; chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí để tuyên truyền phản bác các thông tin trái chiều.

Năm 2015, các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không chỉ trên các phương tiện thông tin chính thống mà cả trên các mạng xã hội. Bản thân đội ngũ phóng viên phải nâng cao trách nhiệm xã hội, giữ cho “bút sắc, lòng trong”, bày tỏ quan điểm đấu tranh chống các quan điểm sai trái ở mọi nơi, mọi lúc.

Mỗi người dân khi tiếp cận các thông tin sai trái trên các trang mạng xã hội cần phải có thái độ đúng đắn, không bị lôi kéo, kích động bởi những thông tin không được kiểm chứng. Năm 2015, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có những giải pháp ngăn chặn toàn diện hơn những thông tin xấu, độc hại trên mạng, làm trong sạch môi trường mạng.


- Như Thứ trưởng vừa nói, để ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc hại thì các thông tin chính thống cần phải đi trước và chuẩn xác. Vậy, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề chủ động cung cấp thông tin hiện nay tại một số cơ quan Nhà nước?

Đúng là để thông tin kịp thời và chính xác nhất thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tức là khi có một sự việc ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội thì người phát ngôn của những đơn vị liên quan phải kịp thời lên tiếng.

Ví dụ, trong thời gian qua, có một số bộ, ngành làm tốt công tác phát ngôn như: Bộ GTVT, Bộ Y tế… đã kịp thời cung cấp các thông tin liên quan sát sườn tới quyền lợi của người dân, các thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm...

Trong năm 2015, tôi cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò của người phát ngôn; chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện. Đây là cách làm cho người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bộ, ngành, một số địa phương, người phát ngôn còn chậm thông tin, thậm chí không chính xác dẫn tới dễ bị xuyên tạc, lợi dụng.

Do đó, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị thực hiện đúng theo Quy chế người phát ngôn đã được Chính phủ quy định.

Quy hoạch báo chí để phát triển

- Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về đề án Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 như hội nghị TƯ 10 đã đề cập?

Nhiều người cứ tưởng đây là đề án sắp xếp lại báo chí, nhưng cần hiểu rằng sắp xếp là để báo chí phát triển tốt hơn, lành mạnh hơn, chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Nhà nước cần phải có cơ chế tài chính, đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 cơ quan báo điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử; 420 mạng xã hội với gần 18.000 nhà báo.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm tăng nhanh, nhưng cơ cấu chưa hợp lý.

Nhiều cơ quan có nhiều ấn phẩm, quá nhiều ấn phẩm phụ, ấn phẩm phụ lại có tia-ra lớn hơn ấn phẩm chính, xa rời tôn chỉ mục đích, tới đây cần sắp xếp lại. Hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển khoa học CNTT, truyền thông thế giới; kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Hệ thống đài phát thanh truyền hình các tỉnh, thành được đầu tư về khả năng phát sóng vượt xa so với khả năng sản xuất chương trình. Nhiều cơ quan báo chí xào xáo tin bài, lấy của đồng nghiệp, vi phạm bản quyền một cách thái quá...

Những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế.

- Mục đích quy hoạch lại các cơ quan báo chí là gì thưa Thứ trưởng?

Quy hoạch báo chí là để nhằm xây dựng những cơ quan báo chí theo hướng đa phương tiện, tập trung trước hết cho các cơ quan chủ lực như Nhân Dân, VTV, VOV, TTXVN, báo chí của Quân đội, CAND... .

Những cơ quan hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế. Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng là để phân định rõ chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị thiết yếu với nhiệm vụ giải trí ở các cơ quan báo chí...

Nói ngắn gọn, để khắc phục những hạn chế yếu kém của báo chí trong thời gian qua, Quy hoạch báo chí nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống báo chí cho phù hợp với giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay.

Internet, mạng xã hội phát triển rất mạnh, báo chí phải đi kịp để định hướng thông tin. Việc quy hoạch lại là để các cơ quan báo chí đi đúng tôn chỉ, mục đích của mình vì mỗi cơ quan có tiếng nói riêng, cách nhìn nhận riêng, đại diện cho một tầng lớp riêng.

- Mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới trên mạng đang phát triển mạnh mẽ tạo ra cơ hội, thách thức như thế nào với hoạt động báo chí?

Thế giới hiện nay được hình dung là thế giới phẳng, mọi người đều có cơ hội để tiếp cận thông tin nhanh và toàn diện nhất về một sự việc vừa xảy ra dù ở bất kỳ nơi nào. Việt Nam không nằm ngoài quy luật.

Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức cho cơ quản quản lý, như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Nhiều thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục trong một số trường hợp đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chống phá nhà nước và chế độ cũng được phát tán trên môi trường mạng.

Thủ tướng từng phát biểu, không thể cấm đưa thông tin lên mạng. Chúng ta cũng không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội. Tuy nhiên, những thông tin xấu, độc hại phải có các biện pháp ngăn chặn. Phải chủ động thông tin sớm, chính xác mới ngăn chặn được thông tin xấu độc hại.

- Thứ trưởng có lời chúc gì đối với ngành TT&TT nước nhà trong năm 2015?

Nhân dịp năm mới, xuân Ất Mùi, tôi chúc ngành Thông tin và Truyền thông sẽ có một năm 2015 nhiều thành công mới, góp phần đưa ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành để đóng góp ngày càng nhiều hơn vào thành công trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế; bảo đảm chủ quyền quốc gia và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn