• Zalo

Ngành hàng không sẽ lại tiên phong kiểm soát dịch

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 16/12/2021 11:46:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các hãng hàng không đang bàn thảo, tìm phương cách kiểm soát dịch COVID-19, tránh chở F0 từ nơi này đến nơi khác và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch lần thứ 5.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến hội viên về các biện pháp tăng cường kiểm soát dịch trong bối cảnh F0 tăng nhanh ở các địa phương và số chuyến bay cả nội địa và quốc tế kể từ tháng 12, đặc biệt là từ 1/1/2022 (mở bay thương mại quốc tế định kỳ).

Hiện nay, với các đường bay trong nước, nếu khách đã tiêm 2 mũi vaccine và không xuất phát từ TP.HCM, Cần Thơ hoặc vùng đỏ (xã/phường cấp độ 4) thì sẽ không phải xét nghiệm COVID-19 khi bay. Tuy nhiên, đang có hàng vạn F0 đã tiêm 2 mũi trong cộng đồng, và phần nhiều trong số đó không có triệu chứng.

Nếu phát hiện F0 trên chuyến bay cả trăm hành khách và toàn bộ phi hành đoàn sẽ phải cách ly. Nguy cơ hãng hàng không không còn phi công, tiếp viên để bay là có thật.

Ngành hàng không sẽ lại tiên phong kiểm soát dịch - 1

Đó là chưa kể việc mang F0 từ nơi này đến nơi khác sẽ nhanh chóng làm đổi màu cấp độ dịch của từng xã/phường quận/huyện. Nhiều vùng sẽ biến thành vùng vàng, vùng đỏ, đồng nghĩa với việc buộc phải phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại, sản xuất kinh doanh.

Kịch bản nói trên, theo một thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam khiến Hiệp hội và các hãng bay đang phải gấp rút bàn biện pháp kiểm soát dịch. Một trong số đó là việc xét nghiệm khách bay nội địa.

Về vấn đề này, theo chuyên gia hàng không, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, tình hình hiện nay khiến ông quan ngại trước quy định không xét nghiệm đối với những hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Theo ông, cần xét nghiệm trước mỗi chuyến bay, và điều này là ‘thực sự cần thiết’.

Tình hình dịch đang diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn, dữ dội’ hơn, cần phải có quy định bắt buộc xét nghiệm đối với tất cả khách trước khi bay trên các tuyến bay nội địa, như đang áp dụng với bay quốc tế. TS Tống nói và cho biết: “Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi thì ít nguy hiểm đến tính mạng của họ. Nhưng, họ sẽ làm lây nhiễm trong cộng đồng ở mức cao, gây nguy hại cho cộng đồng là rất lớn".

Ví dụ, một khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tiếp xúc với 1 F0 ở nhà ga, rồi đi chung với F0 trên xe buýt hoặc ống lồng lên tàu bay. Nếu bị lây nhiễm, người này sẽ mang F0 về nhà. Mà gia đình, hàng xóm thì thường có người già, trẻ em, người có bệnh nền, như vậy là rất nguy hiểm.

Theo ông Tống, phiền toái cho khách bay nội địa không phải đến từ việc xét nghiệm. Thậm chí điều này còn là việc làm cần thiết, tạo sự an tâm cho khách hàng khi chọn phương thức di chuyển này. Chi phí này cũng không cao đến mức trở thành vấn đề cản trở khách bay.

Chung quan điểm, PGS BS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn chính sách phục hồi kinh tế của TP.HCM, trong giai đoạn này tất cả khách bay nội địa cần phải xét nghiệm COVID-19.

Thực tế là không chỉ người có bệnh nền mới đáng quan tâm mà người bình thường thì thể trạng cũng không ổn định. Mệt mỏi, sức khỏe suy yếu là COVID-19 tấn công, đe dọa tính mạng. 

Chính vì vậy, cần phải nới lỏng có kiểm soát dịch COVID-19 để tránh bùng phát dịch lần thứ 5 và cũng để tránh đất nước phải đón Tết trong trạng thái ‘ai ở đâu ngồi yên đấy’, bị hạn chế ra đường, người thân buộc phải ở nhà gọi điện… chúc Tết!

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn