Ngành dầu khí năm 2018 vẫn đứng trước nhiều thách thức. Trong khi các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã khai thác hơn một nửa trữ lượng và chỉ còn những mỏ nhỏ thì sóng gió vẫn chưa buông con thuyền PVN. Cùng với các dự án bị thua lỗ, đắp chiếu, hàng loạt lãnh đạo lâm vào vòng lao lý đã gây ra nhiều hoang mang.
Tuy nhiên, giữa những biến động chưa từng có, ngành dầu khí vẫn mạnh mẽ vươn lên, nhiều doanh nghiệp con của PVN đã “vượt lên chính mình", hoàn thành sớm và vượt kế hoạch cả năm các chỉ tiêu tài chính hợp nhất về tổng doanh thu, lợi nhuận.
Tăng sản lượng, lãi lớn
Theo báo cáo, tổng sản lượng khai thác 2018 của PVN đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5,0% kế hoạch; khai thác dầu thô đạt 13,97 triệu tấn, vượt vượt kế hoạch 5,6%. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt 12 triệu tấn, vượt 6,0% kế hoạch; khai thác dầu thô ở nước đạt 1,98 triệu tấn, vượt 3,1% kế hoạch.
Khai thác khí đạt 10,01 tỷ m3, vượt 4,3% kế hoạch năm. Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch trước 18 ngày, năm 2018 đạt 1,63 triệu tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm.
Trong tương lai gần, mục tiêu đặt ra cho ngành dầu khí là tiếp tục đóng góp lớn cho GDP và ngân sách quốc gia
PGS. TS Ngô Trí Long
Bên cạnh chỉ tiêu về khai thác dầu khí, PVN còn đón nhận những thành tích mới như đạt mốc sản xuất kWh điện thứ 170 tỷ vào ngày 2/12/2018, đạt mốc sản xuất tấn sản phẩm các loại thứ 55 triệu vào ngày 30/8/2018 (đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất).
Vẫn theo PVN hết tháng 11 năm 2018, tổng doanh thu toàn PVN đạt 542.344 tỷ đồng vượt 2,2% kế hoạch năm. Cũng tại thời điểm trên, nhiều đơn vị thuộc tập đoàn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm các chỉ tiêu tài chính hợp nhất về tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế.
Trong đó, Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đạt tổng doanh thu khoảng 103.900 tỷ đồng, vượt 33% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 5.480 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 4.900 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch năm.
Tổng công ty cổ phần Khí Việt Nam (GAS) đạt tổng doanh thu 66.316 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 12.592 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 10.119 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm.
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVT) đạt tổng doanh thu 7.051 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, vượt 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 565 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch năm.
Ngoài ra, có 2 đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất là Công ty cổ phần PVI (PVI) với lợi nhuận trước thuế đạt 774,8 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 611,8 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DMC) với lợi nhuận trước thuế đạt 919,3 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 884,6 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch.
Nhờ giá dầu tăng cao nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cũng đạt kết quả khả quan. PVEP thậm chí đã hoàn thành kế hoạch của cả năm chỉ trong 10 tháng, với tổng doanh thu đạt 28.351 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.019 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 7.948 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm.
Kỳ vọng năm mới
Dù PVN đã hoàn thành và vượt mức nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2018, nhưng phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời. Trong khi đó, bối cảnh thị trường dầu khí có nhiều biến động, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro.
Theo GS. TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, việc giá dầu thấp cùng những sóng gió liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến hàng loạt lãnh đạo tập đoàn đã gây ra nhiều hoang mang, tạo áp lực lớn lên PVN.
Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng, rủi ro hiện nay không chỉ ở vấn đề giá dầu, mà là trong thăm dò khai thác. Nhiều dự án phải khoan 3 - 4 giếng mới phát hiện một giếng có giá trị thương mại. “Mặc dù đây là tỉ lệ cao hơn trung bình thế giới, được xem xét như một chi phí rủi ro, nhưng Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí lại không được trích lập rủi ro thăm dò nên thành nợ xấu. Trong khi đó, một nghịch lý đặt ra là muốn tăng thêm trữ lượng phải gia tăng thăm dò, nhưng tăng thăm dò lại tăng nợ xấu”, ông San nói.
Bên cạnh đó, theo chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, mô hình Tập đoàn PVN hiện nay về mặt khách quan thì chưa tạo ra sự gắn kết, chủ động khi nguồn lực bị xé lẻ, phân tán, cạnh tranh nội bộ làm suy yếu sức mạnh, nhất là đơn vị xây lắp.
Thử thách đối với PVN hiện nay tuy là rất lớn và nhưng cũng đồng thời là cơ hội để vươn lên tự khẳng định mình
GS. TSKH Hồ Sỹ Thoảng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả -Bộ Tài chính) nhìn nhận, PVN đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn cả từ khách quan và chủ quan.
“Từ cuối năm 2014 đến nay, giá dầu thô liên tục giữ ở mức thấp, các mỏ đã và đang khai thác ở giai đoạn cuối, số giếng khoan mới rất ít, việc mở rộng đầu tư thăm dò để gia tăng trữ lượng còn rất hạn chế... Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, một số dự án đầu tư ra nước ngoài mất vốn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý”, ông Long nói.
Vẫn theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, PVN cũng đang chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt đến từ các đối thủ nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi năng lực điều hành và khả năng kinh doanh còn hạn chế.
Tuy nhiên, PGS Ngô Trí Long nhận định, những bất cập, hạn chế vừa qua là dịp PVN nhìn lại, sửa sai để tiếp tục phát triển đúng hướng.
“Tuy chặng đường phát triển phía trước của PVN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không nên bi quan. Trong tương lai gần, mục tiêu đặt ra cho ngành dầu khí là tiếp tục đóng góp lớn cho GDP và ngân sách quốc gia”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thường San cho rằng, thời điểm khó khăn nhất đối với PVN dần qua, giá dầu đã tăng trở lại, nhiều biện pháp cấp bách trong tái cơ cấu tập đoàn, đổi mới cách quản lý, tiết giảm chi tiêu… được thực hiện đã phát huy tác dụng. PVN đang tạo được khí thế hành động, đoàn kết, quyết tâm vực ngành dầu khí trỗi dậy.
“Trong thế kỷ 21, dầu khí vẫn là nguồn năng lượng, nguyên liệu, nguồn thu ngân sách quan trọng không thể thay thế của đất nước. Tiềm lực công nghiệp dầu khí vẫn là chỗ dựa lâu dài của nền kinh tế Việt Nam. Thách thức hiện nay của PVN khi là làm thế nào tận dụng thời cơ để phát triển nhưng đồng thời phải chinh phục được thị trường nội địa và mở rộng hợp tác quốc tế”, TS Ngô Thường San nói.
Tin tưởng vào sự trỗi dậy trở lại của ngành dầu khí, GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng khẳng định, khó khăn trước mắt sẽ không làm mất đi bản lĩnh người dầu khí.
“Thử thách đối với PVN hiện nay tuy rất lớn và nhưng cũng đồng thời là cơ hội để vươn lên tự khẳng định mình. Nếu người lao động PVN đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn trở ngại để vượt qua thách thức thì thời kỳ gian khó cũng sẽ qua đi”, ông Thoảng nói.
Theo nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, điều có tính nguyên lý là, chỉ có thành tựu đạt được mới chứng tỏ bản chất và bản lĩnh của một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế như PVN.
Bình luận