• Zalo

Ngang nhiên 'xẻ' đường thu tiền trông giữ ô tô ở TP.HCM

Thời sựThứ Năm, 01/02/2018 11:12:00 +07:00Google News

Một số tuyến đường ở khu trung tâm TP.HCM hiện có những người xưng là chủ và ngang nhiên thu phí trông giữ ô tô dưới lòng đường.

Hàng loạt hàng quán bị xử phạt, hàng loạt bãi giữ xe bị dẹp, ít nhất vài cán bộ trật tự đô thị bị xử lý trong gần 1 năm chính quyền TP.HCM mạnh tay chấn chỉnh trật tự lòng đường, vỉa hè.

Những tưởng, đố còn ai dám cát cứ vỉa hè nhưng sự thật không như mong đợi. Bằng chứng là sau nhiều ngày điều tra và ghi nhận, phóng viên chứng kiến hàng loạt "người lạ" xưng là chủ lòng đường.

Ngang nhiên… xin đểu

Suốt thời gian "mai phục" ở đường Mạc Thiên Tích và đường Tản Đà - nằm ngay Bệnh viện Đại học Y Dược TP (thuộc phường 11, quận 5), chúng tôi có thể khẳng định tuyến đường này đã được… bảo kê!

Bởi, theo quy định, Mạc Thiên Tích không phải là nơi được phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí nhưng hiện tại, từ sáng sớm đến tối muộn, không khi nào vắng mặt những thanh niên đứng thu tiền ô tô đậu dưới lòng đường.

Nhóm thanh niên trên gồm Thanh, Phương, Long, Phước… mỗi ngày chia nhau ra canh ô tô đậu là lấy tiền, khiến không ít tài xế bức xúc nhưng không dám cự cãi.

Trục lợi lòng đường ở TP HCM - Ảnh 2.

Một trong 4 "ông chủ" ở đường Mạc Thiên Tích, quận 5, TP.HCM ngang nhiên thu tiền ô tô đậu dưới lòng đường. (Ảnh: Lê Phong)

Cụ thể, sáng 15/12/2017, một tài xế từ Long An chở người nhà đi khám bệnh và đậu xe ở đường Tản Đà. Ngay sau đó, một thanh niên khoảng 24 tuổi chạy ra nói: "Chỗ này dành cho taxi đậu (?!), còn người nhà bệnh nhân muốn đậu thì tốn tiền".

Bị vòi tiền vô lý, vị tài xế trên liền cho xe xi-nhan chạy qua đường Mạc Thiên Tích để đậu. Tưởng chừng "chắc ăn", người này bất ngờ bị 2 thanh niên tiến đến yêu cầu nộp 20.000 đồng. 

Tương tự, ngày 18/12/2017, trong vai tài xế, phóng viên chạy ô tô đến đậu trên đường Mạc Thiên Tích thì chưa đầy 1 phút, thanh niên tên Phương mặc quần đùi, áo thun bước tới hướng dẫn cho xe đậu ngay ngắn một bên đường.

Khi chúng tôi vừa xuống xe, Phương nhanh chóng vỗ vai đề nghị trả tiền giữ xe. Chúng tôi từ chối vì cho rằng Phương không phải là nhân viên giữ xe và nói đường này đâu được phép thu phí đậu xe dưới lòng đường thì Phương chỉ tay về hướng một cán bộ công an đang chạy ngang qua, nói: "Mấy ông thấy không, công an họ qua lại liên tục đâu phải vắng người mà tôi dám tự đứng ra giữ xe được".

Nghe vậy, chúng tôi đề nghị Phương phải có vé mới chịu đưa tiền. Lập tức, Phương chạy vào quán cà phê gần đó lôi ra một xấp giấy và ghi lại biển số xe. Tờ vé giữ xe này không có mã số thuế và nói thẳng nó được bày bán đầy ở nhà sách.

Theo ghi nhận, một buổi sáng, trung bình các đối tượng trên thu tiền của khoảng 40 ô tô của thân nhân bệnh nhân các loại. Đa phần tài xế bị bắt đóng tiền giữ xe là dân ngoại tỉnh.

Qua nhiều ngày la cà thì chúng tôi được Phương tiết lộ con đường Mạc Thiên Tích là do một "đàn anh" thầu từ nhiều năm, có mối quan hệ rất mạnh nên mới tồn tại đến hôm nay.

"Để tồn tại thì việc thu giữ xe cũng phải gửi lại một ít cho nhiều người ẩn danh chứ không ăn trọn một mình" - Phương nói.

Trở lại câu chuyện ở đường Tản Đà, người dân nơi đây nói vui rằng có tới 3 ông Tản Đà, vì con đường "xẻ" làm 3 đoạn. Đoạn đầu gần với đường Hồng Bàng do những thanh niên có tên Lâm, Long đứng giữ.

Những người này chỉ thu tiền của khách có biển số tỉnh khi đến đây đậu. Đoạn giữa, được Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 5 thu phí. Đoạn cuối là do các nhà xe có tuyến TP.HCM - Campuchia xí phần.

Tại quận 1 - nơi phóng viên đã từng phản ánh về vấn nạn cát cứ vỉa hè làm bãi giữ xe - tưởng trật tự đô thị đã được quản nghiêm nhưng khi "ghé" đường Tôn Thất Đạm 2 ngày, chúng tôi đã lầm.

Con đường này hiện được "cắt đôi" chia cho 2 người đứng ra xẻ lòng đường giữ ô tô. Trong đó, đoạn gần giao lộ Tôn Thất Đạm - Nguyễn Công Trứ do ông N.V.C đứng ra cai quản. Đoạn còn lại, gần đại lộ Võ Văn Kiệt là của một người đàn ông tên Tâm. Trong đó, ông Tâm vừa giữ xe máy trên vỉa hè vừa "xí" luôn lòng đường để thu tiền ô tô.

Hễ thấy có ô tô đến là 2 người liền nhào ra săn đón. Xe vừa dừng là tài xế thấy cánh tay chìa ra đòi tiền lập tức. Phóng viên tiếp cận ông Tâm thì được ông này khoe: "Có quen biết mới được giữ và giấy phép hẳn hoi" (?!).

Ở đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 được chính quyền treo banner ghi: "Tuyến đường không được phép thu phí" và kèm theo đó là số điện thoại đường dây nóng. Tuy nhiên, vào các buổi sáng và chiều muộn lại xuất hiện một số thanh niên chạy xe máy rảo quanh gõ kính xe đề nghị đưa tiền.

Khi chúng tôi thắc mắc đường không thu phí sao lại đưa tiền, một thanh niên cho rằng đây là tiền công canh giúp cho xe khỏi bị bẻ kính.

"Biết là không thu phí nhưng mà tụi em hỗ trợ trông xe. Tiền này đâu phải tụi em dùng một mình" - người đàn ông vòi tiền nói.

Theo quan sát, chỉ tính riêng buổi tối, những "ông chủ" đường Ngô Thời Nhiệm có thể đút túi vài triệu đồng nếu chỉ cần thu mỗi chiếc ô tô 20.000 đồng, vì tuyến đường này hàng quán buổi tối đón toàn khách đi ô tô.

Video: Ông Đoàn Ngọc Hải hỏi chủ quán nhậu có ai chống lưng không?

Chỉ khuyên dân đừng… dại (!)

Sau khi xem tư liệu của phóng viên cung cấp, ông Đỗ Đình Hậu - Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 thốt lên: "Người này cán bộ ở phường ai cũng biết".

Theo ông Hậu, việc ông C. đứng ra thu tiền giữ ô tô cũng thường xuyên được công an và cán bộ phường nhắc nhở, thậm chí từng bị xử phạt hành chính. Riêng ông Tâm, vài tháng trở lại đây, lực lượng chức năng cũng nhiều lần lập biên bản xử phạt.

"Chúng tôi phạt anh Tâm nhiều lắm, đến mức anh này không còn tiền để đóng. Nhưng qua phản ánh của phóng viên, UBND phường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra cũng như vận động để anh Tâm hiểu hơn" - ông Hậu nói.

Còn UBND quận 3 cho rằng nhiều tuyến đường ở quận 3 lúc trước có thu phí. Tuy nhiên, thời gian qua đã bỏ việc thu phí và tạo điều kiện để người dân có chỗ đậu miễn phí.

"Việc các thanh niên yêu cầu tài xế đưa tiền là không đúng và sẽ có hướng kiểm tra, xử lý" - đại diện UBND quận 3 khẳng định và khuyến cáo: Người dân cần kiên quyết không đưa tiền và gọi ngay cho đường dây nóng (!).

Liên quan đến các "ông chủ" ở đường Mạc Thiên Tích và Tản Đà, dù phóng viên nhiều lần đến trụ sở UBND phường 11, quận 5 để liên hệ làm việc và cung cấp tư liệu nhưng vẫn không thấy lãnh đạo UBND có ý kiến phản hồi.

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, các "ông chủ" của 2 tuyến đường trên vẫn ngang nhiên lộng hành. Nói về vụ việc này, đại diện UBND quận 5 cho biết thời gian qua lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra để lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Thế nhưng, khi ghi nhận thực tế tại địa phương này, hầu như tuyến đường nào cũng lấn chiếm.

Không thể chấp nhận

Trước câu trả lời của lãnh đạo UBND phường Nguyễn Thái Bình, bà Lê Anh Nguyên, một chủ ô tô nhiều lần bị thu tiền oan ở đường Tôn Thất Đạm, bức xúc: "Chẳng lẽ chính quyền chỉ có thể trị những "ông trời" trên bằng cách phát hiện thì phạt hành chính thôi sao? Phạt thì người bị mất tiền oan như chúng tôi có lấy lại được đâu".

Theo bà Nguyên, chính quyền quận 1 phải mạnh tay hơn nữa với những loại đối tượng nêu trên, nếu không việc xem thường pháp luật của họ sẽ là mầm mống cho những kẻ khác làm liều.

Trong khi đó, bình luận về khuyến cáo của quận 3, anh Trần Văn Thái chỉ biết lắc đầu. Theo anh Thái, đúng ra khi báo chí cung cấp thông tin cụ thể như vậy thì chính quyền phải lập tổ công tác xuống "mật phục" để xử lý nghiêm. Nếu cần thiết thì nên cử người thường xuyên rà trên đường Ngô Thời Nhiệm để ngăn chặn hành vi của các "ông chủ" tự xưng.

"Làm như vậy mới mong dứt điểm chứ khuyên dân đừng đưa tiền mà lập tức gọi cho đường dây nóng thì liệu có yên thân với những kẻ côn đồ không" - anh Thái bực tức nói.

Ngoài ra, anh Thái còn yêu cầu chính quyền phải làm rõ xem ai đã làm ngơ cho những "ông chủ" lòng đường nêu trên ngang nhiên hốt bạc, bởi "dân thường" đố ai dám liều đến vậy! 

"Việc UBND phường Nguyễn Thái Bình cho rằng đã xử lý nhiều lần mà không biết cách ngăn chặn là thể hiện sự bất lực". 

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn