• Zalo

Ngang nhiên bày bán nước C2 nhiễm chì đã bị cấm

Kinh tếThứ Bảy, 09/07/2016 11:23:00 +07:00Google News

Công ty URC Việt Nam vẫn “vô tư” để cho các sản phẩm C2 nhiễm chì vượt mức quy định lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Đã hơn một tháng kể từ khi Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT, Bộ Công thương) ra quyết định buộc Công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi các lô nước C2 Trà xanh hương chanh và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn công bố. Thế nhưng, tính đến ngày 5/7 Công ty URC Việt Nam vẫn “vô tư” để cho các sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức quy định lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Người phát hiện ra sản phẩm nước giải khát C2 nằm trong lô hàng đã bị cấm nói trên là anh N.Q.Đ (24 tuổi, ngụ Tây Hòa, Phú Yên, Sinh viên Trường ĐH TDTT), hiện đang về quê nghỉ hè. Anh kể với PV: “Vào cuối tháng 6/2016, em có ngồi cùng một số người bạn thân ở quê gặp mặt tại quán cà phê H.V và có gọi nước C2 để uống.

C2 van bay ban

Quầy tạp hóa T.S - nơi bị phát hiện bán sản phẩm nước C2 không được phép lưu hành.

Trước đó, em đã biết một số lô sản phẩm C2 và Rồng đỏ bị các cơ quan chức năng bắt buộc phải thu hồi do có hàm lượng chì vượt quá ngưỡng quy định. Nghĩ rằng URC đã nghiêm túc thực hiện, nên em vẫn gọi C2 vì giá cả phù hợp với sinh viên. Nhưng khi phát hiện sản phẩm nhiễm chì vẫn được bán cho khách thế này em thật sự lo lắng”.

Tại quầy tạp hoá T.S ở thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, khi PV đặt vấn đề muốn uống nước C2, chủ quán liền lấy hai chai C2, một chai loại 500ml và một chai loại 330ml. Hai chai nước vị chủ quán đưa cho chúng tôi, quan sát bằng mắt thường vẫn thấy rõ thuộc lô sản xuất ngày 10/04/2016, có hạn sử dụng đến ngày 10/04/2017. Còn chai nhỏ loại 330ml được sản xuất ngày 04/02/2016, hạn sử dụng đến ngày 04/02/2017.

Cả hai chai đều nằm trong lô sản phẩm C2 bị buộc phải thu hồi theo quyết định xử phạt của Cục QLCT, Bộ Công thương do có hàm lượng chì vượt quá quy định.Phát hiện hàng loạt nước C2 bị cấm vẫn bày bán URC Việt Nam thách thức pháp luật?Chai C2 nằm trong lô sản phẩm bị buộc thu hồi theo quyết định xử phạt của thanh tra Bộ Y tế mà PV mua được tại quầy tạp hóa T.S.

chai C2

Chai C2 nằm trong lô sản phẩm bị buộc thu hồi theo quyết định xử phạt của thanh tra Bộ Y tế mà PV mua được tại quầy tạp hóa T.S. 

Khi được hỏi, chủ quầy tạp hóa thừa nhận, dù biết thông tin một số lô nước C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị buộc thu hồi qua báo đài, nhưng đến giờ chị không thấy người của nhà sản xuất, hay đại lý phân phối xuống kiểm tra để thu hồi các sản phẩm nên chị vẫn bán.

Trong ngày 6/7, PV tiếp tục khảo sát gần 20 quầy tạp hóa, siêu thị mini nằm trên địa bàn TP Tuy Hòa. Theo ghi nhận, phần lớn các quầy tạp hóa, siêu thị đều có trưng bày, kinh doanh nước giải khát C2 trong diện thu hồi. Chủ quầy tạp hóa ở địa chỉ 157, Yết Kiêu, thuộc Khối phố 6, P. Phú Đông cho hay, cửa hàng của chị chủ yếu bán hàng cho các ghe thuyền đánh bắt xa bờ, nên một ngày có thể tiêu thụ hàng chục thùng nước ngọt hiệu C2 cho các tàu cá.

Thời gian gần đây, từ khi Bộ Y tế công bố vi phạm, loại nước đóng chai này tiêu thụ chậm hơn, nhưng mỗi tuần chị vẫn bán được vài thùng cho ngư dân đi biển cập bờ ghé qua.

Trao đổi với bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Yên qua điện thoại, bà Hòa cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về sự xuất hiện của các sản phẩm C2 bị buộc thu hồi theo quyết định của Cục QLCT, Bộ Công thương vẫn được trưng bày, bán trên địa bàn tỉnh.

Bà Hoà bày tỏ quan điểm: “Trong thời gian tới, nếu phát hiện các sản phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên trái với nội dung các biên bản xử phạt hành chính do Bộ Y tế ban hành, quyết định buộc thu hồi sản phẩm có hàm lượng chì vượt quá ngưỡng quy định do Cục QLCT, Bộ Công thương ban hành thì với quyền hạn chức năng của mình, Hội sẽ thông báo sự việc với Sở công thương và các cơ quan chức năng phối hợp thu hồi theo nội dung thông tư 13.

Đồng thời, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có trách nhiệm yêu cầu nhà sản xuất công bố rộng rãi những thông tin trên, ngừng lưu thông hàng hóa, thu hồi các sản phẩm sai phạm đã đưa ra ngoài thị trường theo Luật bảo vệ người tiêu dùng”.

Như vậy, cho đến nay những sản phẩm thuộc lô hàng đã bị cấm tuyệt đối và phải thu hồi vẫn đang ngang nhiên lưu hành trên thị trường. Câu hỏi trách nhiệm của Công ty URC Việt Nam với người tiêu dùng đang ở đâu? Vì lợi nhuận mà họ vẫn vất chấp cho sản phẩm gây hại sức khoẻ ra thị trường hay công ty này đang thách thức pháp luật Việt Nam?

Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vào cuộc xác minh vụ việc, xử lý trách nhiệm để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo PL+
Bình luận
vtcnews.vn