Hàng loạt băn khoăn đã được đưa ra tại phiên thảo luận về ngân sách, phát hành trái phiếu ở Quốc hội sáng nay, đặc biệt là tình trạng thu không đủ chi nhưng vẫn còn tràn lan tình trạng lãng phí. Là một trong những tiếng nói đại diện cho cử tri TP HCM, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét lâu nay có tình trạng vung tay quá trán, khiến ngân sách chi không đủ. Ở cấp ngành nào cũng "vẽ ra quá nhiều ghế, không ngân sách nào chịu nổi", lâm vào cảnh "giật gấu vá vai".
Cả đại biểu Du Lịch và đại biểu Huỳnh Văn Tính đến từ Cà Mau đều bày tỏ bức xúc về tình trạng chi tiêu công lãng phí từ xây dựng cơ bản đến mua sắm xe công tràn lan. Hiện nay, các cơ quan xây dựng trụ sở vẫn được tính là chi cho đầu tư.
Nhưng ông Trần Du Lịch kiến nghị nên xem việc xây trụ sở cơ quan là chi tiêu dùng để cho vào danh sách phải thắt chặt. Túi tiền eo hẹp, nhưng chi thường xuyên, chi cho bộ máy ngày một phình to. Đội ngũ viên chức công chức ngày một nhiều mà hoạt động chưa chắc đã hiệu quả, đại biểu Huỳnh Văn Tính nói.
Đại biểu Trần Du Lịch có nhiều quan ngại về vấn đề ngân sách, nợ công sau khi phát hành trái phiếu. |
Chỉ có 7 phút để nói nhưng Đại biểu Trần Du Lịch đã có bài phát biểu "nhiều chữ" nhất trong số các phần thảo luận sáng nay với lối nói rất nhanh và cương quyết đến mức ông phải xin thêm giờ mới nói hết. Đại biểu Trần Du Lịch tính toán nếu phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu, tổng trái phiếu Chính phủ năm 2014 lên đến 400.000 tỷ đồng. Đại biểu cảm thấy lo lắng vì với tính toán của ông, từ sau năm 2015, một phân ba ngân sách sẽ được dành để trả nợ. “Và khi đó nợ công không còn an toàn”, Đại biểu của TP HCM nói.
Để thêm yên tâm bấm nút khi thông qua việc phát hành trái phiếu, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ thêm việc tiền từ gói này sẽ được chi vào những chỗ nào. Nhất là trong mục "chi cho các dự án đang dở dang", Chính phủ cũng cần nêu rõ danh sách địa chỉ cụ thể để đại biểu cùng xem xét.
Bằng chất giọng nhẹ nhàng nhưng cương quyết, Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) thì yêu cầu Chính phủ phải làm rõ khi phát hành trái phiếu, thì ai là khách hàng, ai mua. "Như Đại biểu Cao Sĩ Kiêm có nói, 80, 90% lượng trái phiếu là do các ngân hàng mua. Vây chúng ta phải làm rõ bao nhiêu % trong số đó là vào nền kinh tế thật, bao nhiêu là nền kinh tế ảo", ông nói.
Ngoài ra, ông cũng có ý kiến mới so với các đại biểu khác, là yêu cầu Chính phủ làm rõ kế hoạch trả nợ của số trái phiếu này như thế nào. "Chúng ta đang đứng trước vấn đề khó khăn mà không chỉ liên quan đến chúng ta, mà còn đến thế hệ con cháu chúng ta nữa, nên cần phải dành thêm thời gian để bàn kỹ", ông Hà Huy Thông nói.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có bài phát biểu sáng 2/11 về vấn đề ngân sách. |
Theo đó, Bộ trưởng Vinh cho hay ông hoàn toàn đồng ý với việc cần có danh sách cụ thể các dự án đang dở dang chờ vốn trái phiếu Chính phủ và Bộ Kế hoạch đang gấp rút soạn thảo sanh sách này. Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ có phiên họp vào tuần tới, về nguyên tắc bố trí cho hơn 800 danh mục dự án đang dở dang, Bộ trưởng Bùi Quanh Vinh cho hay.
Là người phát biểu cuối cùng của phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra nhiều lý do khiến hụt thu, tăng chi trong thời gian qua và biện pháp xử lý trong thời gian tới. "Từ tháng 6 đến 30/10 vừa qua, chúng tôi đã thực hiện 85 cuộc thanh tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tại khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã xử lý vi phạm 180 tỷ đồng, chuyển 32 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan công an", Bộ trưởng Tài chính cho biết.
Bài phát biểu đọc từ giấy của ông dài quá 10 phút so với quy định. Dù ông xin phép được đọc thêm nhưng đã gần hết giờ họp nên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ông gửi văn bản đến cho các đại biểu xem sau.
Theo VNE
Bình luận