• Zalo

Ngăn quá tải sĩ số, Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép các trường tăng số lượng lớp học

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 22/04/2024 16:20:50 +07:00
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép các trường mầm non, tiểu học, THPT, phổ thông nhiều cấp học được tăng số lượng lớp học, diện tích/học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Chi tiết dự thảo: Xem tại đây

Bộ GD&ĐT dự kiến tăng số lượng lớp học trong các trường. (Ảnh minh hoạ)

Bộ GD&ĐT dự kiến tăng số lượng lớp học trong các trường. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, dự thảo quy định các trường mầm non đảm bảo quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp (quy định cũ, yêu cầu trường mầm non có tối đa 20 nhóm, lớp). Với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp.

Với các trường tiểu học, quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp (quy định hiện hành 30 lớp). Với trường vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp.

Với các trường THPT quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp. Còn các trường phổ thông có nhiều cấp học, quy mô tối thiểu 9 lớp và tối đa 50 lớp (với trường 2 cấp học), tối đa 75 lớp (với trường 3 cấp học). 

Cả 4 cấp học: Mầm non, tiểu học, THPT, phổ thông nhiều cấp học đều thay đổi quy định tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên số lớp, số học sinh, tối thiểu 10m2/học sinh. Với các trường ở khu đô thị, nơi đông dân cư bình quân tối thiểu 6m2/học sinh.

Còn với trường tổ chức nội trú hoặc bán trú tập trung, diện tích quy định tối thiểu phải từ 6m2/học sinh trở lên (theo quy định hiện hành, các trường ở đô thị và vùng khó khăn tối thiểu 10m2/học sinh).

Dự thảo cũng yêu cầu các trường xây dựng đủ số lượng khối phòng học tập tối thiểu 3 phòng, phục vụ dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ. Các trường căn cứ điều kiện thực tế, có thể ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc: đủ chức năng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bố trí thời gian, không gian học cho các em. 

Trong khi đó, quy định hiện hành yêu cầu các trường xây dựng mỗi môn học tối thiểu một phòng riêng. Cụ thể, 1 phòng học môn Âm nhạc, Mỹ thuật, 1 phòng học Khoa học - Công nghệ, 1 phòng học Tin học, 1 phòng học  Ngoại ngữ và 1 phòng đa chức năng.

Dự thảo quy định các trường bố trí phòng cho nghỉ giáo viên, đảm bảo điều kiện phòng nghỉ liền kề với khối phòng học tập, bảo đảm 1 phòng nghỉ/10 lớp (phòng nghỉ là nơi làm việc của giáo viên ngoài giờ dạy, trang bị đầy đủ các thiết bị theo quy định hiện hành).

Nếu dự thảo mới này được thông qua, thời gian chuyển tiếp thực hiện đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn mới và cũ là 5 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực.

Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 11/6.

Năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024 tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn, trong đó rõ nét nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Điển hình như phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành "siêu phường" trong nhiều năm nay với dân số trên 80.000, hằng năm khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Hiện phường này chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS nên các trường luôn quá tải.

UBND thành phố Hà Nội từng kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét cho phép Thành phố xây dựng trường học áp dụng tiêu chí tính diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh nhằm đáp ứng chuẩn xây dựng trường học mới. Đồng thời, cho phép các trường nâng thêm tầng, đảm bảo đủ chỗ học cho các em.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại cách thức tính quy chuẩn này, phân loại theo các quy chuẩn vùng, theo tính chất vùng, miền cũng như tính chất của các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM để có ban hành những quy chuẩn riêng. Cần tính diện tích lớp trên đầu học sinh thay vì tính diện tích đất trên đầu học sinh. 

Bình luận
vtcnews.vn