• Zalo

'Ngàn năm mây trắng' - Thử nghiệm sáng tạo với sân khấu truyền thống

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 14/08/2019 11:18:00 +07:00Google News

Lần đầu tiên sân khấu kịch phía Bắc có một vở diễn mang tính đột phá, kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật truyền thống: Chèo, Cải lương, Xẩm và ca Huế

Vở diễn Ngàn năm mây trắng lấy cảm hứng từ hình ảnh hòn Vọng phu tại vùng đất biên ải Lạng Sơn, kể câu chuyện về nàng Tô Thị bồng con đi tìm chồng là Trần Khôi. Dù Trương Lỗ - người anh em kết nghĩa của Trần Khôi khẳng định chàng ra đi nơi chiến trận nhưng Tô Thị luôn tin rằng chồng mình còn sống. Nàng cùng Trương Lỗ đi khắp nơi hỏi thăm tung tích của chồng.

Nàng Tô Thị bế con vượt suối sâu, đèo cao, rừng thẳm đi tìm chồng. Đi đến đâu nàng cũng tha thiết hỏi xem có ai biết Trần Khôi, chồng mình ở đâu không?

Ở mỗi một nơi, nhân vật Trần Khôi được khắc họa một khác. Mỗi câu chuyện được thể hiện nhuần nhuyễn qua các loại hình nghệ thuật như: Cải lương, Chèo, Xẩm hay ca Huế và chứa đựng những thông điệp sâu sắc về sự thủy chung, tình nghĩa vợ chồng son sắt.

Tuy nhiên, cái kết của mỗi câu chuyện lại giống nhau, đó là nhân vật Trần Khôi đều không trở về. Sau mỗi lần nghe như vậy, Tô Thị đều nói: “Đó không phải là Trần Khôi, chồng tôi”. Nàng giữ vững một niềm tin mãnh liệt rằng chồng mình còn sống.

Hòa quyện 4 loại hình nghệ thuật truyền thống

Ngàn năm mây trắng là kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; Chuyển thể kịch hát: NS Hoàng Song Việt và NSƯT Thanh Ngoan. Với sự tham gia của NSƯT Thanh Ngoan - NSƯT Triệu Trung Kiên (Đạo diễn); Họa sỹ Hồng Vân (Thiết kế mỹ thuật); NSƯT Duy Hòa (Sáng tác âm nhạc); Hồng Hải (Thiết kế ánh sáng); Tuyết Minh (Biên đạo múa); Minh Hùng (Thiết kế trang phục).

Chia sẻ về kịch bản Ngàn năm mây trắng, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết năm 1997 ông đến Lạng Sơn chiêm bái tượng đá nàng Tô Thị. Hình ảnh người phụ nữ đứng ở địa đầu Tổ quốc bồng con chờ chồng khiến ông liên tưởng đến chinh phu, chinh phụ. Người vợ ôm con chờ chồng đi đánh trận trở về.

Sau chuyến đi đó, ông viết bài thơ Trước nàng Tô Thị, lý giải sự ra đời của tượng đá nàng Tô Thị khác với những câu chuyện huyền tích. Bài thơ tiếp tục là cảm hứng, là tứ để ông viết kịch thơ Ngàn năm mây trắng vào đầu năm 2018 và tiếp sau đó được NS Hoàng Song Việt và NSƯT Thanh Ngoan chuyển thể kịch hát Ngàn năm mây trắng.

1

 

Nàng Tô Thị là huyền tích điển hình, là biểu tượng của sự chung thủy, của tình yêu, của nghĩa vợ chồng. Mô típ truyền thống về một nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng quá quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Nhưng theo cách kể của tác giả, vẫn là nàng Tô Thị ấy, nhưng không bị động như trong huyền tích. Với niềm tin sắt đá rằng chồng mình vẫn còn đâu đó trong cõi nhân gian, rằng chồng mình chưa thể chết, nàng bồng con vượt núi cao, rừng sâu quyết đi tìm chồng.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản văn học của Ngàn năm mây trắng chia sẻ rằng, ông muốn viết một câu chuyện về nàng Tô Thị khác với câu chuyện cổ tích mà mọi người vẫn thường nghe. Trong đó, huyền tích (hay truyền thuyết) chờ chồng nơi chiến trận, nỗi niềm chinh phụ - chinh phu vẫn tiêu biểu và điển hình hơn cả. Và sự tích về nàng Tô Thị muôn đời lay động lòng người.

Thông qua cách kể chuyện mới mẻ về nàng Tô Thị, Ngàn năm mây trắng ca ngợi những chiến binh dũng cảm không tiếc máu xương bảo vệ giang sơn của Tổ quốc và ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang, nhân ái của người phụ nữ Việt Nam.

2

 

“Gần như biết chắc Trương Lỗ đâm chết chồng mình nhưng Tô Thị vẫn luôn nghĩ chồng mình chưa chết. Hình tượng người chồng quá đẹp đẽ, không thể chết được trong lòng Tô Thị. Tô Thị vẫn tin hình như chồng vẫn còn sống. Nàng vẫn đi tìm chồng và bồng con chờ chồng đến hoá đá. Dường như trong lòng người phụ nữ chưa bao giờ hết tình yêu đối với người chinh phu ra trận”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.

Đạo diễn -NSƯT Triệu Trung Kiên, cho biết: “Vở diễn hướng tới Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần IV và là công trình nghệ thuật kỷ niệm 74 năm thành lập Đài TNVN (VOV) và 70 năm thành lập Nhà hát VOV, cho nên sẽ có ít nhiều các yếu tố thử nghiệm.

Thử nghiệm thì ta cứ hiểu theo nghĩa là thử những cái gì trước đó chưa từng có. Thử nghiệm có thể thành công và có thể không. Đương nhiên không ai muốn sự nỗ lực của cả một tập thể không đem lại kết quả gì cho nên, lo thì có lo nhưng chúng tôi cũng khá tự tin với những ý tưởng của mình”.

3 3

 

Có thể nói, đây là lần đầu tiên sân khấu kịch phía Bắc có một vở diễn mang tính đột phá, kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật truyền thống Chèo, Cải lương, Xẩm và ca Huế.

Giải thích về sự kết hợp táo bạo này, đạo diễn -NSƯT Triệu Trung Kiên cho hay: “Nhà hát VOV là một nhà hát đặc biệt khi hội đủ tất cả các loại hình âm nhạc sân khấu và diễn xướng dân gian của Việt Nam. Tham dự liên hoan với danh nghĩa của nhà hát VOV, chúng tôi căn cứ ngay trên kết cấu của đơn vị để đưa ra những ý định sáng tạo thử nghiệm. Ở đây chúng tôi cùng một lúc đưa lên sân khấu 4 loại hình nghệ thuật truyền thống hoà trộn trong một tác phẩm”.

Ý tưởng đưa ra mang tính đột phá và táo bạo cũng khiến cho cả êkip lo lắng. Chưa bao giờ nghệ thuật chèo và cải lương được đưa lên sân khấu cùng nhau.

Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên lý giải: “Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo, mang những phương pháp sân khấu của Phương Đông.

Cải lương lĩnh hội hoàn toàn từ âm nhạc đờn ca tài tử, sau đó tiếp thu các phương pháp của kịch nghệ phương Tây. Yếu tố chính trong vở diễn này là nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong nghệ thuật cải lương đã có 50% là hiện thực. Và từ hiện thực đó, theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực. Những không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự được tái hiện bằng nghệ thuật Chèo, hát Xẩm, ca Huế...

Chúng tôi kết nối được các loại lại với nhau không khiên cưỡng, lắp ghép mà hòa quện ngọt ngào. Mỗi không gian của mỗi loại hình nghệ thuật được bảo toàn để hòa nhập nhưng không hòa tan”.

4 4

 

Cái khéo và sự tài tình của đạo diễn chính là kết nối câu chuyện tưởng như cũ thành một chuỗi những câu chuyện nhỏ. Mỗi câu chuyện nhỏ được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật khác nhau. Các loại hình nghệ thuật được lồng ghép một cách khéo léo, êm ái giữa các chuyển đoạn. Người xem cảm nhận được sự hài hoà, không nhàm chán, có thể thưởng thức được nhiều làn điệu dân ca trong một vở diễn. Đây là nét lạ của “Ngàn năm mây trắng”.

NSƯT Thu Trang (vai Tô Thị), cho rằng sự kết hợp tài tình của 4 loại hình nghệ thuật trong một vở diễn là một hiện tượng của sân khấu Việt Nam. Sự kết hợp nghiêm túc của các nghệ sĩ ở 3 nhà hát, mỗi người một phong cách hòa quyện và tỏa sáng trên sân khấu. Đó là sự tài tình của đạo diễn và sự cố gắng của từng cá nhân nghệ sĩ, tạo ra một bữa tiệc âm nhạc, sân khấu để khán giả vừa được nghe, vừa được nhìn, thưởng thức một món ăn tinh thần rõ ràng là quen đấy nhưng lại được biến tấu mang màu sắc mới.

5 6

 

Còn với NSƯT Văn Chương (vai Trần Khôi 2), chính sự kết hợp sáng tạo, mới mẻ của vở diễn khiến những người nghệ sĩ như anh thấy hứng thú.

“Các vai diễn cũng thể hiện rõ ràng, vẫn hòa nhập được với nhau nhưng không mất đi bản sắc riêng của mình. Mảng miếng của Chèo, Cải lương hay ca Huế, đều rất rõ, được đưa vào một cách ngọt ngào cho từng vai diễn. Xưa nay người ta chỉ nghĩ hát Xẩm là một cái thể loại hát rong, hát vặt ở ngoài đường phố, thôn quê nhưng đưa vào sân khấu để làm thành nhân vật có tính kịch, có xung đột, hành động, điều này thể hiện sự tài tình của đạo diễn”.

Sự thể nghiệm "lột xác" của các nghệ sĩ VOV

Khi được nghe giới thiệu về vở diễn, chắc nhiều khán giả cảm thấy tò mò, bởi họ không thể tưởng tưởng trong một vở diễn xuất hiện tới 4 loại hình nghệ thuật. Nhưng trong buổi tổng duyệt vừa qua, khán giả được mãn nhãn với dàn diễn viên của 3 nhà hát. Các nghệ sĩ đều sở hữu chất giọng tuyệt vời. Khán giả như được chìm đắm vào từng câu hát với những ca từ đẹp, tinh tế, sắc sảo. Vở diễn là sự kết hợp của cả một ê kíp lớn với nhiệt huyết, tài năng, công sức, trái tim, mồ hôi, nước mắt của biết bao người.

Tham gia vở diễn là các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thu Trang (vai Tô Thị), Quang Khải (vai Trương Lỗ), Tuấn Thanh (vai Trần Khôi), NSƯT Văn Chương (vai Trần Khôi 2), Tất Dũng (vai Trần Khôi 3), Đăng Kiên (vai Trưởng trò gánh hát chèo), Hạnh Ngân (vai Công chúa), NSƯT Minh Phương (vai Bà già hát xẩm)... cùng một số nghệ sỹ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát VOV. Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua tài năng, năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên.

6 7

 

NSƯT Diệu Hương là người phụ trách mảng ca Huế trong vở diễn cho biết, đây là lần đầu tiên đóng vai nên cũng khá áp lực. Vai diễn này hát là chủ đạo nên cũng có những lợi thế nhất định. Phần diễn vẫn phải chỉnh sửa nhưng đạo diễn để mình diễn tự nhiên là chính. Màu sắc ca Huế khiến người xem phải tập trung, tạo điểm nhấn ấn tượng. Đối với các nghệ sĩ của Nhà hát VOV thì đây là một sự nỗ lực rất lớn.

NSƯT Thu Trang tự cho rằng mình may mắn khi được giao vai diễn Tô Thị. “Trong quá trình làm nghề, tôi cũng đã nhiều lần thể hiện vai diễn về thân phận người phụ nữ éo le. Mỗi một nhân vật có một câu chuyện riêng của họ. Tô Thị cũng vậy. Tô Thị là đại diện cho những chinh phụ có chồng đi chinh chiến, không cứ là ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, những nơi còn chiến tranh, những người phụ nữ, những người vợ ở nhà thì thấp thỏm lo âu chờ người chồng ở xa trường như thế nào. Tôi nghĩ đó là tâm lý chung của tất cả phụ nữ trên toàn thế giới.

Câu chuyện về nàng Tô Thị trong Ngàn năm mây trắng là cách kể rất đặc biệt của tác giả muốn nói về thân phận của người phụ nữ trong gia đình. Người phụ nữ ở đây không cam chịu, không an phận, họ muốn xoay chuyển tình thế với niềm tin sâu sắc rằng người chồng của họ luôn tồn tại ở trong tim”.

t1 8

 

“Tôi khá hài lòng về dàn diễn viên. Tuy không thường xuyên biểu diễn nhưng dàn diễn viên của Nhà hát VOV diễn rất chân thành và mộc mạc. Đó lại là điều rất cần cho sân khấu. Các diễn viên đã vào vai một cách rất ngọt. Mỗi nghệ sĩ vào vai tạo nên những hình tượng nhân vật mà chúng tôi thấy hài lòng.

Vì khi xem vở diễn này người ta thấy ngay một tập thể diễn viên có bản lĩnh và làm chủ sân khấu cũng như tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ đối với nhân vật của mình”, kết thúc vở diễn, đạo diễn -NSƯT Trung Kiên bày tỏ như vậy.

Xem các nghệ sĩ của Nhà hát VOV biểu diễn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch thơ Ngàn năm mây trắng, cho rằng: “Tôi có niềm tin ở các nghệ sĩ của Nhà hát VOV. Chúng tôi có ca hát, dàn nhạc bán cổ điển, ca mới, cải lương, vọng cổ. Chúng tôi gần như đủ sức làm một vở sân khấu.

Vai Tô Thị của NSƯT Thu Trang, rồi NSƯT Minh Phương, NSƯT Văn Chương, NSƯT Diệu Hương, nghệ sĩ Đăng Kiên,…đều là người của VOV cả.

Trong hoạt động nghệ thuật, không nên mặc định ai đó chỉ làm điều này, không thể làm điều khác. Nghệ thuật lạ lắm, nếu chúng ta biết động viên các nghệ sĩ, có chất xúc tác về nghệ thuật thì họ đều có thể làm được. Trong vở diễn này, tôi đánh giá rất cao vai trò của NSƯT Triệu Trung Kiên và NSƯT Thanh Ngoan”.

Âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, lời ca, trang trí sân khấu,... Tất cả hoà quyện hài hòa cùng làm nên một vở diễn đáng giá về nhiều mặt. Phải nói thêm, âm nhạc là một trong những thành tố quan trọng của vở diễn. Dàn nhạc dân tộc của Nhà hát VOV, những nghệ sĩ thầm lặng giấu mặt đã góp phần không nhỏ cho thành công cho vở diễn.

Cùng với đó là chất liệu dân gian được thấm đẫm trong âm nhạc và mỹ thuật của vở diễn. Về thiết kế mỹ thuật, đạo diễn và họa sĩ Hồng Vân đã thống nhất lấy những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam từ một chiếc đèn kéo quân để diễn tả không gian, thời gian của các lớp kịch. Phương pháp sân khấu tự sự phương Đông là chủ đạo để ê kíp sáng tạo xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại nhằm tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam.

7 9

 

Đạo diễn -NSƯT Triệu Trung Kiên cũng nhấn mạnh: “Thông qua vở diễn Ngàn năm mây trắng, chúng tôi muốn đưa đến cho bạn bè quốc tế một cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Xem vở diễn, bạn bè quốc tế sẽ thấy không gian văn hóa Việt Nam được tái hiện từ những bức tranh Đông Hồ, trang phục truyền thống… đến câu chuyện huyền thoại mang tính huyền sử điển hình như câu chuyện về nàng Tô Thị”.

Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, vở diễn Ngàn năm mây trắng sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát VOV, Nhà hát Lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của VOV, một số đài phát thanh, truyền hình và một số địa phương trong cả nước.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn