Chi phí để tái xây dựng nền kinh tế Ukraine sau gần hai năm xung đột có thể lên tới 486 tỷ USD, gấp 2,8 lần sản lượng kinh tế dự kiến của nước này trong năm 2023.
Đây là con số được đưa ra trong một nghiên cứu do Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Ukraine thực hiện và công bố ngày 15/2.
Ngân hàng Thế giới cho biết, mức 486 tỷ USD là con số ước tính trong giai đoạn từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022 đến hết ngày 31/12/2023, đồng thời cũng định lượng thiệt hại về vật chất đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác, sự tác động đến cuộc sống và sinh kế của người dân và chi phí để tái xây dựng.
486 tỷ USD là con số ước tính để tái thiết trong 10 năm, tăng từ mức 411 tỷ USD được đưa ra hồi tháng Ba năm ngoái.
Trong số này, nhu cầu về nhà ở đứng đầu danh sách, chiếm 17%, tương đương 80 tỷ USD, tiếp theo là nhu cầu vận tải là 74 tỷ USD hay 15%, và thương mại và công nghiệp ở mức 67,5 tỷ USD, tương đương 14%.
Báo cáo cũng cho biết thiệt hại trực tiếp từ cuộc xung đột lên tới gần 152 tỷ USD, với thiệt hại chủ yếu tập trung tạo các vùng như Donetsk, Kharkiv, Lugansk, Zaporizhzhia, Kherson và Kiev.
Tình trạng gián đoạn đối với sản lượng kinh tế và thương mại, cũng như các chi phí khác liên quan đến xung đột, ví dụ như dọn dẹp các đống đổ nát, có thể sẽ khiến mức chi phí ước tính tăng thêm 499 tỷ USD.
Bên cạnh đó, con số 486 tỷ USD trên không bao gồm các nhu cầu tái thiết đã được đáp ứng thông qua ngân sách của chính phủ Ukraine hoặc thông qua các đối tác và hỗ trợ quốc tế.
Theo báo cáo, Ukraine cần khoảng 15 tỷ USD dành cho hoạt động sửa chữa, tái thiết cấp bách nhất trong năm 2024, trong số này 5,5 tỷ USD đã được giải ngân thông qua ngân sách chính phủ và các hỗ trợ của các nhà tài trợ.
Arup Banerji, Giám đốc quốc gia khu vực Đông Âu của Ngân hàng Thế giới tại đông Âu cho biết, việc hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Ukraine trong ba quý đầu năm 2023 đã cho thấy những cơ hội đầu tư tốt được nhìn nhận tại nước này.
Bình luận