• Zalo

Ngân hàng siết vay mua ô tô, khách ngậm ngùi bỏ cọc

Tư vấnThứ Bảy, 12/11/2022 07:34:09 +07:00Google News

Việc khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và mức lãi suất tăng cao khiến không ít khách hàng phải hoãn nhu cầu mua ô tô cuối năm.

Nhiều người dân mua ô tô qua hình thức vay ngân hàng đang gặp khó khăn bởi lãi suất tăng cao. Không ít người đành bỏ cọc, hủy kế hoạch tậu xe vì e ngại không đủ khả năng trả nợ.

Theo ghi nhận của phóng viên Xe VietNamNet tại một số đại lý ô tô Hà Nội, hơn một tháng nay các ngân hàng bắt đầu siết chặt vay tiêu dùng do hạn mức tín dụng (room tín dụng) từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Lãi suất vay mua ô tô đã vượt 10%/năm tại một số ngân hàng. 

Trao đổi với phóng viên, anh Hữu Linh, nhân viên sale một đại lý xe Ford ở Hà Nội cho biết, thông thường cứ 10 người mua ô tô thì chỉ có 2/3 trong số đó có khả năng trả thẳng. Số còn lại là có nhu cầu được hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Nhưng hiện nay, lãi suất tăng quá cao, lại khó giải ngân, nên lượng người mua xe tại đại lý giảm tới 25-30% so với mọi năm.

Anh Linh nói: “Một khách hàng của tôi đã đặt cọc 20 triệu mua xe Ford Territory bản Titanium X, dự kiến cuối tháng 11 nhận xe. Anh này được ngân hàng đồng ý cho vay trả góp với lãi suất hơn 13%/năm trong vòng 5 năm hoặc 9,5-10%/năm trong năm đầu tiên, những năm sau đó, lãi suất điều chỉnh theo thị trường. Mức này tăng 1-2% so với trước đó. Vì lãi suất cao, anh khách đó cuối cùng đã quyết định không vay mua xe nữa, chấp nhận bỏ giữa chừng, mất luôn cả cọc".

"Có khách thì thích xe, chọn được màu, phiên bản rồi, định vay ngân hàng nhưng sau không đủ điều kiện vay, e ngại lãi cao nên cũng đành ngậm ngùi lỡ kế hoạch tậu xế phục vụ gia đình dịp cuối năm”, anh Linh kể thêm.

Ngân hàng siết vay mua ô tô, khách ngậm ngùi bỏ cọc - 1

Ngân hàng siết giải ngân, tăng lãi vay khiến thị trường ô tô bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)

Tích góp được hơn 300 triệu đồng, anh Thành Công (Đông Anh, Hà Nội) tính vay thêm 300 - 400 triệu đồng để mua chiếc Kia Sonet nhưng cũng đang gặp khó trong quá trình làm hồ sơ vay.

Anh chia sẻ: “Đúng là thời buổi khó khăn, không phải ngân hàng nào cũng thoải mái giải ngân. Khi được tư vấn khoản vay, tôi ngớ người khi bị một nhân viên yêu cầu chi thêm khoản “bia kèm lạc”, tức mua bảo hiểm khoản vay, bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Thậm chí, nhân viên đó còn gợi ý tôi nếu không muốn mua bảo hiểm thì trả phí ngoài để được giải ngân".

"Tôi từ chối thẳng thừng, và quyết định bàn lại với vợ về việc mua xe khác rẻ hơn để không phải đi vay ngân hàng trong thời điểm này”.

Theo anh Bùi Dương, Trưởng phòng kinh doanh một đại lý ô tô ở Hà Nội, nhu cầu về ô tô trên thị trường đang ở mức cao nhưng vẫn có thể sẽ bị ảnh hưởng phần nào bởi lãi suất vay mua xe. Các hãng và đại lý sẽ phải tăng mạnh các chương trình ưu đãi, giảm giá hấp dẫn thì mới có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì đà tăng trưởng. Thậm chí, còn phải hy sinh một phần lợi nhuận để gấp rút chạy doanh số cuối năm.

Đánh giá về thị trường ô tô cuối năm, anh Dương cho rằng, 2 tháng cuối năm 2022 sức mua sẽ có biến động khó lường và có thể không tăng mạnh theo mùa vụ giáp Tết nguyên đán như mọi năm. "Tình trạng khan hiếm xăng dầu, ngân hàng siết vay, giá xe tăng cao...đều ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường ô tô. Về phía các đại lý, họ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để nhập xe. Khách hàng cũng vậy, họ sẽ cân nhắc nhiều hơn về lợi ích mua xe trong bối cảnh hiện tại", anh Dương nói.

Theo báo cáo vừa công bố của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), tình hình tiêu thụ ô tô vẫn tăng trưởng mạnh trong tháng 10 vừa qua với tổng dung lượng xe bán được đạt 36.560 xe, tăng 9,3% so với tháng 9/2022 và tăng tới 22,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 10 tháng đầu năm, toàn thị trường ô tô bán được tổng cộng 296.574 chiếc, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn