Thời gian gần đây, hàng loạt “ông lớn” ngân hàng đẩy mạnh lãi suất đối với khoản tiền gửi của khách hàng, tập trung phần lớn tại kỳ hạn ngắn.
Ồ ạt tăng lãi suất?
Mới nhất, Vietcombank vừa tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1- 0,3% ở một loạt kỳ hạn dưới 1 năm. Đáng chú ý, đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong vòng 1 tháng qua của nhà băng này. Tuy vậy, so với hệ thống ngân hàng thương mại cũng như nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, lãi suất tiền gửi tại Vietcombank hiện vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung.
Trong đợt điều chỉnh này, Vietcombank tăng mạnh ở các kỳ hạn 3 và 6 tháng, theo đó tăng thêm 0,2% lần lượt ở mức 4,8%/năm và 5,5%/năm. Các kỳ hạn dưới 3 tháng cũng đồng loạt được tăng thêm 0,1%, lên mức 4,4%/năm. Nhưng so với Agribank, BIDV, VietinBank lãi suất kỳ hạn này tại Vietcombank vẫn thấp hơn 0,1%. Ngoài ra, nhà băng này cũng tăng thêm 0,1% đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 năm.
Tương tự, Agribank mới đây cũng nâng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, trong đó tập trung vào mức dưới 3 tháng khi tăng tới 0,2-0,3%. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của nhà băng này tăng từ mức 4,3% lên 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,2% lên 4,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,6% lên 4,8%/năm; và kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5%/năm từ mức 5,3% trước đó. Kỳ hạn 9 tháng cũng được điều chỉnh thêm 0,1% trong đợt này.
Trong tuần trước đó, cả Vietinbank và BIDV đều tăng thêm 0,2% với các kỳ hạn ngắn. Thậm chí, tại một số kỳ hạn, lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh hiện còn cao hơn nhóm ngân hàng tư nhân.
Như ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất của Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank cùng ở mức từ 4,4-4,5%/năm, cao hơn 0,1-0,2% so với Lienvietpostbank. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh cũng cao hơn 0,2% so với nhà băng tư nhân này.
Đặc biệt, tại mức kỳ hạn 12 tháng và dưới 18 tháng, nhóm ngân hàng quốc doanh đang đưa ra mức lãi suất rất cạnh tranh so với nhóm tư nhân. Cụ thể, lãi suất đối với khoản tiền gửi kỳ hạn 1 năm tại BIDV hiện ở mức 6,9%/năm, bằng Sacombank và cao hơn nhóm ngân hàng tư nhân như ACB; Eximbank; Techcombank hay Lienvietpostbank... cùng ở mức 6,8%/năm.
Một số ngân hàng tư nhân như VPBank, ACB chọn hình thức niêm yết lãi suất theo số tiền gửi khiến lãi suất của các khoản tiền nhỏ thấp hơn so với các ngân hàng quốc doanh. Như với các khoản tiền gửi dưới 200 triệu tại ACB hiện chỉ được hưởng mức lãi suất 6,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, thấp hơn nhiều so với mức 6,8-6,9% của ngân hàng quốc doanh.
Hay tại Techcombank, khoản tiền gửi dưới 1 tỷ cũng chỉ được hưởng lãi suất 6,6%/năm, thấp hơn 0,2% so với Vietcombank, Agribank và VietinBank. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm mức lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng quốc doanh lại được niêm yết cao hơn so với các ngân hàng tư nhân.
Dấu hiệu thanh khoản eo hẹp
Nhiều năm trở lại đây, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng quốc doanh luôn thấp hơn so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân được các chuyên gia ngân hàng lý giải do nhóm ngân hàng này đều có quy mô rất lớn, với mạng lưới chi nhánh phủ rộng, tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng khách hàng. Cùng với đó, các ngân hàng quốc doanh cũng đã xây dựng được uy tín nhất định giúp người gửi tiền tin tưởng dù mức lãi suất kém cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất huy động cao hơn cả nhóm ngân hàng tư nhân đang cho thấy thanh khoản của nhóm ngân hàng quốc doanh có dấu hiệu eo hẹp.
Việc thanh khoản eo hẹp buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút thêm nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân thông qua các khoản tiền gửi. Việc tăng lãi suất tiền gửi sẽ mang lại lợi thế cho người gửi tiền nhưng lại khiến chi phí giá vốn đầu vào của các ngân hàng tăng lên, kéo theo các khoản cho vay vì thế cũng bị tăng lãi suất.
Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng cho rằng động cơ chính để các ngân hàng nâng lãi suất là thanh khoản trong hệ thống kém đi. Lượng tài sản ròng trên thị trường liên ngân hàng đã kém đi kể từ giữa tháng 7, với giá trị hiện tại khoảng 220.000-250.000 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 100.000 tỷ từ đỉnh vào đầu tháng 7. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn vẫn ở mức cao mặc dù đã giảm trong tháng 9.
Video: Vì sao 4 ngân hàng lớn đồng loạt tăng phí rút tiền ATM
Cũng theo thống kê từ công ty này, xu hướng tăng lãi suất không chỉ xuất hiện ở các ngân hàng lớn mà mặt bằng lãi suất đã được nâng lên đáng kể từ tháng 9.
"Lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng bình quân tăng 0,06% trong tháng 9 và hiện tương đương lãi suất cuối năm 2017. Trong đó, các ngân hàng tăng lãi suất huy động đáng chú ý nhất là Vietcombank, Lienvietpostbank, VPBank, MBBank...", công ty này cho hay.
Các ngân hàng cũng chủ yếu tăng lãi suất tại các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng cho thấy nhu cầu của các ngân hàng tập trung vào nguồn vốn ngắn hạn.
Bình luận