Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước mới đây lại đưa ta khuyến cáo, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ lụy khó lường đối với người dân. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Lý do là bởi Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, do đó, việc sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Dũng, theo Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì để xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo với tư cách là tài sản trong thời gian tới.
Còn việc sử dụng Bitcoin hiện nay, theo ông Dũng, hầu hết các nước đều không công nhận đó là đồng tiền pháp định.
Một số nước trên thế giới đã phân loại Bitcoin là hàng hóa, tài sản để có cách thức ứng xử phù hợp đối với đồng tiền ảo này như đánh thuế hàng hóa, tài sản đối với giao dịch khai thác, mua bán.
Trước đó, trong một thông báo trên mạng xã hội tối 26/10, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch trường ĐH FPT cho biết trường "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại" gây xôn xao dư luận.
Sau đó, cũng chính ông Tùng lại cho biết, nhà trường chỉ mong muốn thử nghiệm sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu trong trường.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khẳng định, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm, có thể bị phạt tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Video: Tiền ảo Bitcoin đang càn quét thế giới ra sao?
Với sự phát triển của tiền ảo, hiện nay, tại một số vùng quê còn có hình thức kêu gọi đầu tư theo dạng đa cấp vào tiền ảo.
Cụ thể, trước đó, người dân tại Bắc Giang liên tục phản ánh về hoạt động bất thường của Câu lạc bộ AOC Việt Nam hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp trên địa bàn.
Theo đó, AOC là tên viết tắt của Aloscoin (tiền điện tử - PV), xuất hiện năm 2013, đến năm 2017 thì xuất hiện tại Việt Nam và được Câu lạc bộ AOC Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Giảng (Chủ tịch Câu lạc bộ) giới thiệu cho các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư ở đây thực chất là những người dân tỉnh lẻ, trong đó có cả nông dân, người già, người về hưu…
Trước sự việc này, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu về Câu lạc bộ AOC Việt Nam.
Bình luận