• Zalo

Ngân hàng Nhà nước sẽ 'cứu' bầu Đức

Kinh tếThứ Ba, 17/05/2016 01:40:00 +07:00Google News

Ngân hàng Nhà nước với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với sự tham dự của nhiều cục, vụ chức năng đã họp bàn và xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Cty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Sau khi phân tích kỹ lấy ý kiến các cơ quan liên quan, NHNN đã nhất trí và sẽ gửi trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của HAGL lên đến 32.900 tỷ đồng, trong đó có sự góp mặt của gần chục ngân hàng thông qua vay nợ trực tiếp hoặc “ôm” các khoản vay từ phát hành trái phiếu của chính doanh nghiệp này. Ba chủ nợ lớn nhất của HAGL gồm: BIDV với hơn 10.000 tỷ đồng, Eximbank với gần 4.000 tỷ đồng và VP Bank với 2.800 tỷ đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL. Ảnh: Tuổi trẻ
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL. Ảnh: Tuổi trẻ
Trước đó, các ngân hàng chủ nợ của HAGL đã “nhóm họp” tại Hà Nội với sự chủ trì của BIDV và thống nhất trình NHNN xin tái cơ cấu một số khoản nợ. Các ngân hàng thương mại đã xin cho HAGL được giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi một số khoản nợ (điều này một số ngân hàng đã chủ động làm trước đó). Xét thấy khó khăn của HAGL do nhiều yếu tố biến động của thị trường, tài sản đảm bảo vẫn còn nên các ngân hàng đã đồng thuận kéo dài thời gian trả lãi và gốc cho phù hợp hơn với công ty.

Được biết, điều mong đợi nhất của chính các “chủ nợ” và HAGL là được phép cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay (để doanh nghiệp này đủ điều kiện vay tiếp và dòng tiền hoạt động để có cơ hội trả nợ cho các ngân hàng) đã được NHNN chấp thuận.  Điều đó cũng đồng nghĩa, thời gian tới HAGL sẽ được cứu.

Trên thị trường, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL, được đánh giá là doanh nhân có nhiệt huyết, có ý chí. Tuy nhiên, ông Đức không gặp nhiều may mắn thời gian qua khi đầu tư vào cao su (do rớt giá), làm khoáng sản thì không có đầu ra; chuyển sang nông nghiệp cũng chưa có kết quả rõ rệt.


Nguồn: Tiền phong

Bình luận
vtcnews.vn