(VTC News) – Trần lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm nhưng một số ngân hàng vẫn huy động với mức lãi suất khá cao.
Nhiều ngân hàng có lãi suất cao
Trong suốt năm 2014, nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động liên tục diễn ra. Đầu năm 2015, lãi suất tiếp tục đi xuống. Mức “đáy” của kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 4%/năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, lãi suất huy động bằng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,7-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8-7,5%/năm.
Mặc dù đa số các ngân hàng đều áp dụng chính sách lãi suất thấp. Nhưng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vẫn được niêm yết khá cao.
Tại BacABank, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đồng loạt niêm yết ở mức 5,5%/năm. Lãi suất cao 7,9%/năm được áp dụng cho 4 kỳ hạn 15, 18, 24 và 38 tháng. Bắc Á là một trong những ngân hàng có biểu lãi suất cao nhất.OceanBank là một trong những ngân hàng có lãi suất cao nhất
Thấp hơn một chút, mức lãi suất cao nhất tại Vietcapitalbank là 7,8%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tới 60 tháng. Tại Nambank, 36 tháng là kỳ hạn duy nhất có mức lãi suất cao 7,8%/năm.
OceanBank là một trong những ngân hàng khá “trung thành” với chính sách lãi suất huy động hấp dẫn. Trong suốt thời gian qua, 7,7%/năm là mức lãi suất của 3 kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Thấp hơn một chút, kỳ hạn 15 tháng có lãi suất 7,5%/năm.
7,7%/năm cũng là mức lãi suất mà OCB và HDBank sử dụng. Trong khi, OCB chỉ áp dụng mức lãi cao nhất này cho kỳ hạn 13 tháng thì tại HDBank, hai kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng đều có mức lãi suất 7,7%/năm.
Thấp hơn một chút, lãi suất huy động “trần” tại Baovietbank là 7,5%/năm, tại GPBank là 7,4%, tại MaritimeBank là 7,2%/năm,…
Lãi suất giảm, huy động vốn vẫn tăng
Mặt bằng chung lãi suất huy động giảm nhưng một số ngân hàng như BacABank, Oceanbank,… có lãi suất tiết kiệm khá cao. Các ngân hàng này đóng góp không nhỏ vào đà tăng huy động vốn của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua.
Ngày 13/01/2015, Vụ Dự báo, thống kê – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh Quý 1/2015 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Kết quả điều tra cho thấy, bên cạnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng được cải thiện, nợ xấu dần được kiểm soát, hoạt động huy động vốn và cho vay tiếp tục tăng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các tổ chức tín dụng kỳ vọng, nguồn vốn huy động từ nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trong Quý 1 và cả năm 2015.
Trong đó, tiền gửi VND được kỳ vọng tăng cao hơn so với tiền gửi ngoại tệ và tương đối đồng đều theo từng kỳ hạn, riêng tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ tăng cao hơn trong Quý I/2015, trong khi tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm được kỳ vọng tăng cao hơn so với những kỳ hạn khác tính đến cuối năm 2015.
Theo kết quả điều tra, nguồn vốn huy động kỳ vọng tăng bình quân 4,5% trong Quý 1/2015 (tiền gửi VND tăng 4,7%, tiền gửi ngoại tệ tăng 3,87%) và tăng 14,35% trong năm 2015 (tiền gửi VND tăng 15,37%, tiền gửi ngoại tệ tăng 6,53%).
Như vậy, khả năng huy động vốn trong năm 2014 và cơ cấu nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng được cải thiện bền vững và hợp lý hơn, mặc dù trong năm 2014 Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất chính sách (tháng 3 và tháng 10/2014).
Mặt bằng lãi suất trên thị trường giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013 và được kỳ vọng tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ trong năm 2015, nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả trong bối cảnh lạm phát thấp (tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013 và trung bình năm 2014 chỉ tăng 4,09% so với năm 2013), trong khi thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường bất động sản chưa hồi phục mạnh.
Bảo Linh
Bình luận