Một lãnh đạo ngân hàng thương mại lớn từng chia sẻ với PV rằng hiện nay đóng góp vào doanh thu từ dịch vụ của các ngân hàng chủ yếu vẫn đến từ các phí dịch vụ thanh toán và tiền mặt như Mobile Banking và Internet Banking, chuyển tiền...
Trong khi đó, phí dịch vụ ngân hàng trong các mảng như thẻ ATM, thẻ tín dụng chủ yếu chỉ đủ để duy trì dịch vụ chứ không có lãi.
Thực tế, báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay cũng cho biết, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng vẫn là tín dụng.
Video: Nữ đại gia mất 245 tỷ đồng từ chối nhận tiền tạm ứng từ ngân hàng
Nhưng nhiều năm trở lại đây, mảng dịch vụ lại là mảng kinh doanh "hái ra tiền" của các ngân hàng với biên lợi nhuận cao ngất ngưỡng 60-90% và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho nhà băng.
Thu hàng nghìn tỷ đồng lãi từ dịch vụ
Theo khảo sát tại hơn 20 ngân hàng thương mại trong hệ thống, có 9 ngân hàng thu về khoản lợi nhuận hơn 1.000 tỷ từ mảng dịch vụ.
Trong đó, lớn nhất chính là Techcombank với khoản lãi từ dịch vụ năm 2017 lên tới 3.812 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2016. Đáng chú ý, ngân hàng này lại chính là thành viên duy nhất hiện nay không thu phí dịch vụ chuyển khoản cả trong và ngoài ngân hàng đối với các khách hàng của mình.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, lý giải năm 2017, mức tăng từ tín dụng không cao nhưng ngân hàng vẫn thu về khoản doanh thu lớn do nhà băng này tập trung nhiều vào dịch vụ tài chính cho khách hàng trung và vừa.
Theo ông, khi làm việc, ngân hàng mới phát hiện vấn đề chính của nhóm khách hàng này không phải lãi suất cho vay cao mà là chi phí tài chính từ bảo lãnh, chuyển đổi ngoại tệ...
Vì thế, ngân hàng đã tập trung giải quyết các dịch vụ tài chính nhiều hơn là cho vay, dẫn đến định hướng của ngân hàng là không tăng dư nợ tín dụng mà tập trung giải quyết các nhu cầu tài chính của khách hàng.
Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của Techcombank cũng cho thấy điều ông Quốc Anh nói là đúng khi mảng dịch vụ thanh toán và tiền mặt cùng với ủy thác và đại lý là 2 mảng đóng góp nhiều nhất vào doanh thu dịch vụ của nhà băng này với tỷ lệ gần 70%.
Đặc biệt trong đó, mảng ủy thác và đại lý tăng gần 1.500 tỷ đồng năm qua.
Trong khi đó, BIDV và Vietcombank là hai ngân hàng có nguồn thu từ dịch vụ đều đạt trên 5.000 tỷ.
Tuy nhiên chi phí dịch vụ tại các ngân hàng này đều cao khiến lãi từ dịch vụ mang về chỉ dưới 3.000 tỷ đồng tại BIDV và hơn 2.500 tỷ đồng tại Vietcombank. Tương tự Techcombank, dịch vụ thanh toán và ủy thác, đại lý là nguồn thu chính trong mảng dịch vụ của hai nhà băng quốc doanh này.
'Hái ra tiền' với biên lợi nhuận ngất ngưởng 90%
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho biết với các ngân hàng trên thế giới, dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng vào lợi nhuận hàng năm. Nhưng tại Việt Nam nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn là từ tín dụng và một phần nhỏ là từ dịch vụ.
Trong số hơn 20 ngân hàng chỉ duy nhất Sacombank ghi nhận tỷ trọng lãi từ dịch vụ đóng góp vào tổng lợi nhuận trước chi phí ngân hàng đạt trên 30%.
Năm 2017, lãi từ dịch vụ mang về cho Sacombank 2.625 tỷ, tương đương 30,3% tổng thu nhập hoạt động trong kỳ, đây cũng là ngân hàng có tỷ trọng lãi từ dịch vụ cao nhất trong hệ thống năm qua.
Những cái tên xếp sau lần lượt là Techcombank với tỷ lệ 23%, SHB là gần 21% và ACB là trên 10%. Những ngân hàng còn lại đều chỉ ghi nhận dưới 10%.
Tuy chỉ đóng góp một phần nhỏ vào tổng thu nhập ngân hàng nhưng dịch vụ cũng là mảng mà rất nhiều ngân hàng muốn hướng tới bởi đây là hoạt động với biên lợi nhuận rất cao lên tới trên 80%.
Như tại SHB năm vừa qua, biên lợi nhuận mảng dịch vụ lên tới 94% giúp ngân hàng này thu về khoản lãi hơn 1.355 tỷ đồng.
Trong khi tại Techcombank biên lợi nhuận mảng này cũng lên tới 84% và bình quân 3 năm gần nhất biên lợi nhuận dịch vụ của hai nhà băng này đều trên dưới 75%. Ngoài ra, KienLongBank và BacABank cũng là những ngân hàng có biên lợi nhuận mảng dịch vụ đạt trên 80%.
Nhóm "tam trụ" ngân hàng năm qua cũng thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ mảng dịch vụ.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động dịch vụ lại tác ngân hàng này lại cao hơn nhiều so với mặt bằng chung khiến biên lợi nhuận chỉ đạt trên dưới 50% như tại BIDV là 53%, Vietcombank là 47% và tại VietinBank chỉ là 43%...
Bình luận