• Zalo

Ngân hàng không 'ăn dày' lãi suất

Kinh tếThứ Tư, 22/08/2012 07:47:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết với lãi suất huy động 9% và lãi suất cho vay 15%, ngân hàng mới chỉ đạt điểm hoàn vốn cơ bản.

(VTC News) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết với lãi suất huy động 9% và lãi suất cho vay 15%, ngân hàng mới chỉ đạt điểm hoàn vốn cơ bản.

Trong phiên chất vấn diễn ra chiều 21/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có trả lời các vấn đề liên quan tới lãi suất.

Mặt bằng lãi suất trung dài hạn 10-12% là hợp lý

Đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn hiện lãi suất áp dụng 9%, lãi suất cho vay 15% nhưng rất khó khả thi, nhiều chuyên gia  và nhiều nước cho rằng áp trần cho vay mới có hiệu quả chứ áp dụng lãi suất huy động chỉ thiệt cho người dân và chỉ ngân hàng có lãi. Hiện tại, một số ngân hàng vẫn huy động lãi suất 11-11,9%, liệu NHNN có biết tình hình này không?

Thống đốc cho biết đây là lời vận động của NHNN chứ không phải là mệnh lệnh hành chính. Ngoài ra, các hợp đồng được đề nghị là các hợp đồng cũ đã ký là hợp đồng kinh tế, cho dù NHNN ra một mệnh lệnh hành chính không có ý nghĩa hồi tố với các hợp đồng trước đây, nhưng với tinh thần chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng với doanh nghiệp, NHNN kêu gọi tổ chức tín dụng đưa nợ cũ của DN xuống dưới 15%.

Thống đốc lấy các con số: trước ngày 15/7 vừa qua tỷ lệ khoản cho vay có lãi suất cao hơn 15% chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng, đến 3/8 số này còn xấp xỉ 30%, như vậy đã giảm đi 1/1, đến 16/8 vừa qua con số này chỉ chiếm 24%, có nơi có lãi suất trên 15% là 100% thì hiện nay đã đã giảm được 65%. Với lời hiệu triệu của NHNN mà đạt được con số như vậy thì đã có hiệu quả nhất định.

 


Còn tại sao không đưa lãi suất cho vay xuống 13%. Thống đốc cho biết, chúng ta rất mong muốn DN tiếp cận được vốn thấp nhưng cần phải làm cho tổ chức tín dụng thực hiện được.

Có những ngân hàng lãi lớn nhưng lãi suất huy động 11-12%, đến nay chúng ta chỉ quy định trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn, 9%, bỏ trần huy động trung và dài hạn. Hiện, thị trường hình thành mặt bằng lãi suất trung dài hạn từ 10-12%, đây là điều rất tốt.

Trước đây vốn 100% là ngắn hạn, dư nợ 40-50% là trung dài hạn do sự chênh lệch về thời hạn như vậy đẩy tổ chức tín dụng vào mất thanh khoản. Theo đánh giá của chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất trung dài hạn 10-12% là hợp lý.

Ngân hàng không "ăn dày" lãi suất

Về việc đánh giá ngân hàng nhiều và quá lớn, Thống đốc cho biết có thể có hiện tượng này trong quá khứ. Từ năm 2008 trở lại đây, thực tế đó không còn.

Ví dụ, lãi suất huy động ngắn hạn 9%, tổ chức tín dụng cho vay ra 13% mới hòa vốn vì có 100 đồng huy động được, ngân hàng phải bỏ ra 3 đồng dự trữ bắt buộc, 10 đồng dự phòng rủi ro, 0,75 đồng để đưa vào trích lập dự phòng rủi ro chung.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng phải bỏ ra 2,36 đồng để dự phòng rủi ro, tính tất cả khoản đó lại thì lãi suất cho vay ra hoàn vốn là 13%.

Đó là chưa kể chi phí nhân sự, chi phí điều hành, quản trị, khấu hao, chiếm đến 1% tới 1,5%. Như vậy điểm hòa vốn là 14%. Do vậy, với lãi suất 15%, tổ chức tín dụng chỉ cơ bản là hòa.

Vì vậy, dù có ý kiến, NHNN cần giảm lãi suất xuống 13% nhưng không thực hiện được vì chênh lệch giữa lãi suất đầu vào đầu ra là rất nhỏ.

Thống đốc còn lấy ví dụ ở Trung Quốc, họ quy đình trần lãi suất huy động và sàn lãi suất cho vay nên đảm bảo cho hệ thống ngân hàng có lãi nhất định để trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Ở nước ta có thực tế chênh lệch lãi suất rất thấp nên ngân hàng thương mại phải lách để đưa nhóm nợ cao về nhóm nợ thấp để đỡ trích lập rủi ro.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa phản ánh hiện nay doanh nghiệp hy vọng được vay vốn với lãi suất trần 15%. Tuy nhiên muốn vay được, có ngân hàng gợi ý doanh nghiệp phải gửi lại 1,3% số vốn được vay với lãi suất 9%. Như vậy 2/3 khoản vay, doanh nghiệp phải trả với lãi suất 18%. Đây là hành vi lách luật, Thống đốc có biết hay không, có giải pháp gì không?
 
Thống đốc cho rằng hiện tượng trên nếu có không phải là phổ biến. Hiện nay các ngân hàng cũng thiết tha được cho vay vì ngân hàng cũng là 1 doanh nghiệp. Hàng hóa người ta bán ra là tiền, giá bán là lãi suất. Do vậy bằng mọi cách ngân hàng phải bán hàng, thậm chí là giảm gía. Nếu có hiện tượng trên, Thống đốc đề nghị đại biểu  cung cấp thông tin.

Thống đốc cũng cho biết ở đây tôi sợ có sự thông đồng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Hạ lãi suất cần sự thận trọng

Hạ lãi suất cần được tính toán thận trọng (Ảnh minh họa) 

Khi được hỏi liệu chúng ta có giảm lãi suất nữa hay không, Thống đốc trả lời việc đưa ra thông điệp từ nay trở đi điều chỉnh giảm lãi suất nữa cần hết sức thận trọng. Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không thận trọng, vị trí của đồng Việt Nam sẽ bị mất đi. Người dân sẽ chuyển sang vàng, ngoại tệ khiến tình trạng vàng hóa, đô la hóa trở lại. Vì vậy, việc giảm lãi suất phải hết sức thận trọng.

Đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng thời gian qua, việc hạ lãi suất được thực hiện quá chậm, không đúng thời điểm. Khi doanh nghiệp cần, ngân hàng không hạ, khi doanh nghiệp “hấp hối”, ngân hàng mới hạ lãi suất nên hiệu quả không cao.

Trả lời ý kiến của đại biểu Phùng Văn Hùng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho khẳng định việc hạ lãi suất của ngân hàng là đúng thời điểm và hết sức quyết liệt. Nhiều tổ chức quốc tế còn cho rằng chúng ta hạ lãi suất quá nhanh, sợ lạm phát có thể quay trở lại.

"Tại thời điểm Q4/2011 chúng ta phấn đấu lạm phát 2012 xuống 1 con số, với ước mơ như vậy chúng tôi làm được việc đó. Nếu cung ứng tiền từ năm 2011, chúng ta không có cơ sở để kiềm chế lạm phát trong năm nay" - Thống đốc cho biết.

"NHNN đang đóng 2 vai, một vai là thành viên Chính phủ, một vai là ngân hàng Trung ương, hai mục tiêu này trong nhiều trường hợp mâu thuẫn với nhau, vừa kiềm chế lạm phát vừa phải tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Chúng ta khẳng định rõ, chúng ta phấn đấu đưa lạm phát về 5-6%, với tư cách thống đốc NHNN tôi phải có trách nhiệm lãnh đạo ngành ngân hàng đạt được các mục tiêu đó"

Mục tiêu này có thể đạt được, có thể kiềm chế lạm phát ở mức 6-7%, như vậy chúng ta đi sớm hơn mục tiêu là những năm cuối của nhiệm kỳ này.

Kết quả đạt được đã khiến cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Khánh Hạ

Bình luận
vtcnews.vn