(VTC News) – Nhiều ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay từ mức 22% xuống dưới 20%. Đây là tín hiệu mừng cho nhiều doanh nghiệp đang khát vốn.
Trong tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ tương đối ổn định. Với nhiều biện pháp quyết liệt, hệ thống ngân hàng tiếp tục thu hút được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội.
Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 19/8/2011 ước tăng 3,04% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 3,32%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,81%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 8,44%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Lãi suất huy động VNĐ hiện nay ở mức chênh lệch lớn cao hơn so mặt bằng lãi suất huy động USD. Tỷ giá tương đối ổn định và tiếp tục duy trì sự ổn định đến cuối năm, đảm bảo cho người gửi VNĐ có mức lãi suất cao trong tương quan với USD. Đây cũng là giải pháp củng cố nâng cao vị thế tiền Việt Nam, đồng thời đảm bảo an toàn, lợi ích của người gửi tiền tiết kiệm VNĐ.
Nói về tỉ lệ lãi suất cho vay thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Mặt bằng lãi suất đang và sẽ hạ là theo diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm. Cung-cầu vốn của nền kinh tế cho thấy nếu cứ để mức lãi suất cao ngân hàng thương mại cũng không cho vay ra được”.
Như vậy, giảm lãi suất là đòi hỏi của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng thương mại. Với các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra nhất định trong thời gian tới sẽ có chuyển biến tích cực trong mặt bằng lãi suất nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát và hai điều này không có gì mâu thuẫn với nhau.
Hiện nay mức lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 16-21%/năm, cho vay sản xuất - kinh doanh khác khoảng 18-22%/năm.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã có những chương trình tín dụng với mức lãi suất ưu đãi từ 17-18%/năm giành cho các đối tượng ưu tiên như: kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.
Qua khảo sát thị trường, lãi suất cho vay VNĐ hiện nay phổ biến ở mức từ 20,5% - 22%/năm. Để kịp thời hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp giảm dần mặt bằng lãi suất góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, trung tuần tháng 8/2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tiến hành 01 đợt giảm lãi suất cho vay VNĐ xuống dưới 20%/năm.
Từ 06/9/2011, BIDV chính thức công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1,5% - 2,0%/năm so với mức lãi suất phổ biển trên thị trường. Cụ thể, đối với huy động vốn, BIDV tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn theo kế hoạch, đảm bảo đáp ứng cao nhất cho nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.
Các tháng còn lại của năm 2011, ưu tiên tập trung huy động vốn cho xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với cho vay, BIDV đã xây dựng và nhất quán điều hành kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 19% so cuối năm 2010, tuân thủ chấp hành các qui định về điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Về lãi suất cho vay VNĐ, BIDV kiểm soát lãi suất cho vay sản xuất giảm từ 6/9/2011, cụ thể cho vay ngắn hạn không quá 18,0%/năm. Cho vay trung dài hạn không quá 19,0%/năm.
Ngoài ra, BIDV dành 10.000 tỷ VND cho vay ngắn hạn cho các khách hàng hoạt động các lĩnh vực thu mua nông thuỷ sản xuất khẩu, công nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng dịch vụ khép kín tại BIDV, với lãi suất ưu đãi từ 15,0% - 17,5%năm.
Cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản tối thiểu 19,0%/năm đối với ngắn hạn và 19,5%/năm đối với trung dài hạn.
Về lãi suất cho vay ngoại tệ, BIDV tiếp tục giữ mức lãi suất cho vay ngoại tệ ở mức cao, khoảng 6,0% - 7,0%/năm.
P.V
Bình luận