(VTC News) – Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn để vay vốn, nhiều khi hồ sơ đã đầy đủ hết nhưng ngân hàng vẫn dền dứ, bắt chờ đợi cả tháng trời.
Nhiều doanh nghiệp đã than như thế với Ngân hàng Nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lexim chuyên về máy, thiết bị xây dựng, thi công cho biết, vừa rồi nộp hồ sơ vay Vietinbank có sổ đỏ thế chấp, phương án dự án đầy đủ, nhưng kế toán công ty liên tục phải bổ sung hồ sơ.
Nhiều doanh nghiệp than vẫn gặp quá nhiều rắc rối từ phía ngân hàng trong tiếp cận vốn giá rẻ (Ảnh minh họa internet)
“11 năm nay đi vay ngân hàng, chưa bao giờ công ty tôi trả chậm một ngày, vậy mà vay vốn tại một trong những ngân hàng lớn nhất, thông thoáng nhất vẫn phải đợi 1 tháng, hơn 1 tháng. Vậy không hiểu những doanh nghiệp khác sẽ như thế nào”, bà Hà phàn nàn.
Còn ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN lại nêu nghịch lý, lãi suất của ngân hàng năm ngoái mức rất cao 25% nhưng doanh nghiệp tập trung vay bằng VND, không vay USD, nhưng hiện tại lãi suất giảm thì lại vay USD, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu thì cần USD. Năm ngoái công ty của ông Nam đã mất 150 tỉ đồng tiền lãi suất nộp cho ngân hàng.
Ông Nam cũng cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ về nông sản rất khó xoay vốn.
Có thực tế, hàng tồn kho nhiều, ngân hàng bắt doanh nghiệp phải bán nhưng doanh nghiệp không muốn bán, doanh nghiệp đi vay ngoài khắp nơi để trả, rủi ro cao.
Chẳng hạn một doanh nghiệp xuất khẩu tồn kho 10.000 tấn Điều, các ngân hàng tập trung vào đòi bán số lượng tấn điều đó. Trước đó giá trị giá ban đầu 4000 USD nhưng khi các ngân hàng định giá 2000 USD, tạo tâm lý người dân muốn đòi nợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Nam thực hiện chính sách chọn ngân hàng để đi vay. Bởi ông Nam cho rằng, một số ngân hàng có kiểu cho vay “sáng nắng chiều mưa, sáng cho vay chiều đóng cửa mai đòi tiền. Doanh nghiệp sợ ngân hàng giận hờn, cắt rụp cái, nên bắt buộc phải chia nhỏ đi vay mỗi chỗ một ít. Chỗ nào làm khó thì lại chuyển chỗ khác”.
Ông Nam cho rằng. động thái khuyến khích ngân hàng đưa lãi suất về 15% của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khiến doanh nghiệp bắt đầu có niềm tin, thị trường bớt lo lắng. Tuy nhiên, theo ông Nam, vay vốn trung và dài hạn vẫn cực khó.
“Ngay cả những ngân hàng được Chính phủ giao đấy. Lúc đầu thì họ đồng ý cho vay hết, nhưng đến “phút 89” thì bụp một cái: Không có tiền. Doanh nghiệp lại phải đi vay ngân hàng cổ phần, mà lãi suất cao, thì kinh doanh đâu có lời”, ông Nam lý giải.
Không cứu doanh nghiệp bằng "mọi giá"
Cảm thông với doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: “Ngân hàng là ngươi trung gian tài chính, huy động tiền của dân và cho vay, người dân cũng chính là doanh nghiệp.
Năm 2011 áp dụng lãi suất tiền gửi 14%, lãi suất cho vay cũng phải 17-18%, doanh nghiệp phải nộp 150 tỉ đồng lãi là đúng.
Thực tế khoản nợ xấu chính là những khoản nợ không sinh lời, nợ vấn là nợ, tài sản vẫn là tài sản, chúng ta không nên gọi là xấu hay đẹp.
Khái niệm nợ xấu là rất phản cảm, gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp. Có nhiều biện pháp xử lý khoản nọ đó như trích lập dự phòng rủi ro, cơ chế mua bán nợ giữa các ngân hàng, chuyển nợ thành cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp”.
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua nhiều doanh nghiệp sử dung vốn vay của ngân hàng không đúng mục đích dẫn đến khả năng trả nợ cho ngân hàng còn hạn chế.
Mục đích kéo lãi suất các khoản cho vay cũ dưới 15%/năm là để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Đối với những doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn có cơ hội phục hồi, có lộ trình phát triển rõ ràng thì an tâm, các ngân hàng sẽ chia sẻ, hỗ trợ.
Đối với các doanh nghiệp khó khăn nhưng không nhìn thấy tương lai và cơ hội phát triền thì các ngân hàng kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp đó.
Đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không phải bằng mọi giá, mọi đối tượng”, ông Bình chia sẻ thẳng thắn.
Ngọc Quỳnh
Bình luận