• Zalo

Ngân hàng cố níu ví khách bằng chiêu giới hạn tiền rút ATM?

Kinh tếThứ Hai, 09/12/2013 01:34:00 +07:00Google News

Theo một chuyên gia ngân hàng, việc giới hạn tiền rút tối đa cho một lần giao dịch với thẻ ATM là cách mà ngân hàng thu thêm mức phí giao dịch.

Theo một chuyên gia ngân hàng, việc giới hạn tiền rút tối đa cho một lần giao dịch với thẻ ATM là cách mà ngân hàng thu thêm mức phí giao dịch.

Chị Nguyễn Mai (trú tại Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) thắc mắc về việc các ngân hàng giới hạn số tiền tối đa cho một lần rút bằng thẻ ATM.

Chị Mai cho biết, chị mở tài khoản ATM tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được khoảng 1 năm và thường xuyên rút tiền bằng thẻ này. Mỗi lần chị rút khoảng 3-5 triệu đồng tại ATM của BIDV và đều rút thành công.

Khách hàng phải thực hiện giao dịch rút tiền nhiều lần để có được số tiền định rút vì nhiều ngân hàng quy định hạn mức thẻ ATM. Ảnh minh họa: Thể thao & Văn hóa.  

Ngày 4/12, chị Mai mang thẻ ATM đến rút tiền tại máy ATM của Ngân hàng VPBank trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội). Khi nhấn vào mục "Số khác" (mục này cho phép khách hàng gõ vào số tiền muốn rút, khác với những số tiền mặc định ghi trên màn hình máy ATM) như mọi lần, chị Mai muốn rút số tiền 3 triệu nhưng máy ATM hiển thị giao dịch không thành công.

Nghĩ cây ATM không cho rút số tiền đó, chị Mai thử lại bằng việc gõ vào mục "Số khác" số tiền 2 triệu đồng thì máy ATM hiển thị giao dịch thành công.

Chị Mai cho biết, chị cũng gặp tình trạng tương tự chỉ rút được tối đa số tiền 2 triệu đồng cho một lần giao dịch tại máy ATM của SeABank. Tuy nhiên, khi chị rút tiền ở các cây ATM của ngân hàng BIDV và Vietcombank thì đều rút được 3 triệu đồng, thậm chí là 5 triệu đồng với một lần giao dịch.

Băn khoăn của chị Mai cũng là băn khoăn của nhiều khách hàng khác. Anh Hải chủ một tài khoản thẻ ATM cũng của ngân hàng BIDV cho biết, anh cũng thường xuyên rút tiền bằng thẻ này. Vì nhà ở gần cây ATM của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) nên anh hay rút tiền ở đây. Tuy nhiên, theo anh Hải, anh không thể rút quá số tiền 2 triệu đồng khi giao dịch tại máy ATM này.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó giám đốc chi nhánh Ba Đình (Hà Nội) của Ngân hàng Vietbank cho biết: Tùy thuộc vào chính sách của các ngân hàng mà họ giới hạn số tiền rút tối đa cho một lần giao dịch trên máy ATM. Có nhiều ngân hàng quy định cụ thể số tiền tối đa/tối thiểu cho mỗi lần giao dịch bằng thẻ ATM và số tiền tối đa/tối thiểu cho một ngày giao dịch bằng thẻ ATM.

Thậm chí, có ngân hàng còn quy định số tờ tiền tối đa cho mỗi lần rút không phân biệt các mệnh giá. Giả dụ, nếu ngân hàng quy định số tờ tiền được rút tối đa trong một lần giao dịch là 10 tờ thì với số tiền mệnh giá 500.000 đồng, khách hàng sẽ rút được tối đa được 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trong máy ATM chỉ có tiền mệnh giá 200.000 đồng thì số tiền được rút tối đa chỉ có 2 triệu đồng.

Mục đích của việc quy định hạn mức sử dụng thẻ ATM, theo ông Nguyễn Tuấn Linh là do các ngân hàng cố gắng hạn chế số lượng tiền rút ra của khách hàng. Ngân hàng mong muốn khách hàng để tiền trong tài khoản càng lâu và càng nhiều thì càng tốt. Đây là cách mà các ngân hàng muốn duy trì thanh khoản, đảm bảo ổn định nguồn tiền trong lưu thông.

Tuy nhiên, ông Linh cũng nhận định, nếu quy định hạn mức sử dụng thẻ ATM thấp sẽ gây nên một số khó khăn cho người rút tiền. Bởi lẽ họ phải thực hiện nhiều giao dịch mới có được số tiền mong muốn.

Ví dụ, một ngân hàng quy định số tiền rút tối đa cho một lần giao dịch là 2 triệu đồng, nếu khách hàng muốn rút 20 triệu đồng phải thực hiện tất cả 10 giao dịch. Việc này cũng liên quan tới vấn đề tiền phí giao dịch. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã thu phí giao dịch ATM nội mạng.

Các giao dịch ngoại mạng (liên ngân hàng) cũng đều mất phí giao dịch. Nếu khách hàng càng giao dịch nhiều lần, tức là thực hiện nhiều thao tác rút tiền thì mức phí phải trả cho ngân hàng càng lớn. Một số ngân hàng đang thu mức phí giao dịch nội mạng là 1.100 đồng/giao dịch và ngoại mạng là 3.300 đồng/giao dịch.

Như vậy, ngoài lý do tăng sự an toàn cho hệ thống ATM, tránh việc mất cắp như một số ngân hàng cho biết, thì việc quy định hạn mức thẻ ATM cũng là cách để ngân hàng thu thêm mức phí giao dịch của khách hàng, ông Tuấn Linh nhìn nhận.

Đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư quy định từ ngày 1/3/2013, các tổ chức tín dụng cung ứng thanh toán không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 2 triệu đồng. Quy định này nhằm tránh việc các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đặt hạn mức cho một lần rút tiền quá thấp, gây trở ngại cho khách hàng như phải thao tác nhiều lần hoặc bị tính phí rút tiền nhiều lần.






Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn