• Zalo

Ngân hàng chính sách bị 'cậu Thủy' lừa thế nào?

Pháp luậtChủ Nhật, 18/10/2015 05:29:00 +07:00Google News

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bị “cậu Thủy” lừa đảo hơn 7 tỷ đồng từ việc làm giả hài cốt liệt sĩ.

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bị “cậu Thủy” lừa đảo hơn 7 tỷ đồng từ việc làm giả hài cốt liệt sĩ.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Văn Thúy tức “cậu Thủy” và các đồng phạm, đều là người thân của Thúy với hành vi gian lận và làm giả hài cốt liệt sĩ đã khép lại với bản án chung thân dành cho Nguyễn Văn Thúy, 56 tuổi. Vợ của Thúy và 4 người thân khác của Thúy lần lượt là Mẫn Thị Duyên, Mẫn Đức Phương, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Anh Chiều, Nguyễn Văn Hoành lĩnh án từ 5-23 năm với cùng tội danh. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam số tiền 7 tỉ đồng, bồi thường cho gia đình các thân nhân liệt sĩ gần 1 tỷ đồng...
Tại phiên tòa cậu Thủy và đồng bọn đã thú nhận mọi hành vi phạm tội của mình (Ảnh: Lê Hiếu)
Tại phiên tòa cậu Thủy và đồng bọn đã thú nhận mọi hành vi phạm tội của mình (Ảnh: Lê Hiếu) 

Tại phiên tòa, Nguyễn Văn Thúy đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, thừa nhận tội danh đúng như cáo trạng truy tố, đồng thời mong muốn dùng số tài sản gồm 8 sổ đỏ và xe ôtô bị kê biên, xin thanh lý để trả cho các gia đình bị hại, ngân hàng. 
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Trị cho thấy, “cậu Thủy” tự xưng có khả năng tìm hài cốt nhờ tài “ngoại cảm”. Thủ đoạn của vợ chồng “cậu Thủy” là khi thân nhân liệt sĩ hy sinh có nhu cầu tìm kiếm hài cốt thì yêu cầu cung cấp các thông tin họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh… Muốn tìm thì phải trả trước 10 - 15 triệu đồng, gọi là lễ trình, khi nào hoàn thành việc tìm và cất bốc hài cốt thì phải trả nốt 100 triệu đồng trở lên. Sau đó, “cậu Thủy” tổ chức cho đồng bọn đi trộm các hài cốt liệt sĩ tại các khu mộ vô danh tại các nghĩa trang liệt sĩ. Tổng cộng nhóm “cậu Thủy” đã trộm được khoảng 70 bộ hài cốt của các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình; nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh, Quảng Trị; nghĩa trang Hải Lăng, Quảng Trị; nghĩa trang ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế…
Cáo trạng cũng xác định, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là nạn nhân của “cậu Thủy”. Ngân hàng này đã phối hợp với cậu Thủy tiến hành 4 đợt tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ. Trong đó một đợt tại Bình Phước, hai đợt tại Đắc Lắc, một đợt tại Quảng Trị. Tổng số hài cốt liệt sĩ tìm được trong 4 đợt này hơn 100 bộ. Mỗi bộ hài cốt tìm được phía Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trả cho “cậu Thủy” 75 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 7 năm 2013, trong đợt phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cuối cùng thực hiện tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị, thì nhóm “cậu Thủy” bị các cơ quan báo chí phát hiện có dấu hiệu làm giả hài cốt nên đã viết bài phản ánh đồng thời thông tin đến các cơ quan chức năng về việc làm phạm pháp của “cậu Thủy” và đồng bọn.
Theo đó, Cơ quan điều tra vào cuộc đã chứng minh tất cả hơn 100 bộ hài cốt liệt sĩ mà “cậu Thủy” cùng Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện trước đó đều là giả. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bị “cậu Thủy” lừa đảo hơn 7 tỷ đồng từ việc làm giả hài cốt liệt sĩ.
Vụ án "cậu Thủy" lạm dụng sự mê tín của nhiều người để trục lợi không chỉ gây rúng động tại Việt Nam mà còn khiến dư luận thế giới bất bình. Nhiều trang tin của Anh và Mỹ như Daily Mail, Washington Post, ABC News, hãng tin AP ... đều đưa tin về việc Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử Nguyễn Văn Thúy cùng đồng bọn về tội làm giả hài cốt liệt sĩ.

Vạch trần mánh khóe lừa đảo bán vé máy bay giả 

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn