• Zalo

Ngăn chặn gian lận kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thế nào?

Giáo dụcThứ Tư, 19/09/2018 10:35:00 +07:00Google News

Lãnh đạo các Sở GD-ĐT đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện và giúp ngăn chặn gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Video: Kỹ sư điện tử hiến kế chống gian lận thi cử

Nhìn lại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đa số các lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng, về khâu chuẩn bị thi đã được thực hiện rất đầy đủ, chu đáo, không chỉ ở cơ quan chủ quản là Bộ, Sở mà các cơ quan ban ngành phối hợp đều vào cuộc một cách đồng thuận.

Đành rằng kì thi có một số vụ việc tiêu cực nhưng không vì thế mà phủ nhận sự thành công của kì thi và cái được của các địa phương, các tỉnh trong tổ chức một kì thi đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi năm 2019, ngăn chặn gian lận thi cử.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho rằng, không riêng Việt Nam, bất kỳ cuộc thi nào, tổ chức ở đâu đều không tránh khỏi những sai sót.

"Cứ mỗi kì thi qua đi, chúng ta nên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Bởi nói đến thi cử, không ai có thể nói trước là không có sai sót, nhưng việc sai sót như thế nào, khác với việc tiêu cực trong thi cử", ông Quốc nói.

Nhung-diem-moi-cua-Ky-thi-THPT-Quoc-gia-2018_1 3

 

Đối với kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Quốc đề nghị, về mặt kĩ thuật, quy chế, quy định nên có bàn bạc kĩ lưỡng, có điều chỉnh để kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

"Trong kỳ thi, khâu vô cùng quan trọng là đề thi. Theo tôi, đề thi như năm vừa qua đã là có cố gắng lớn, đảm bảo độ bảo mật, phân hóa để vừa xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở các trường ĐH tuyển sinh. Tất nhiên, chúng ta cũng cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề thi để làm sao sự phân hóa đề đạt như mong muốn.

Chúng ta nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy được mấy điều: Người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh; theo tôi, trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách,  khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi.

Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, cần sự phối hợp một cách chặt chẽ của các cơ quan trong thanh tra, giám sát kì thi. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ một cách nghiêm túc giữa an ninh PA83, thanh tra thi của Bộ, thanh tra thi của địa phương, làm công tâm, thì chắc chắn những hiện tượng tiêu cực sẽ không thể xảy ra", ông Quốc nêu quan điểm.

Ông Quốc cũng đề xuất, Bộ nên chỉ đạo để các trường đại học thấy rằng, việc các trường về địa phương, cùng địa phương tổ chức thi là trách nhiệm của các trường nữa.

"Bộ nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài việc phân công cho các trường đại học àm nhiệm vụ thanh tra ở địa phương, nhất thiết trong các đoàn thanh tra của địa phương, ít nhất phải có một người của Bộ" - ông Quốc kiến nghị.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết tỉnh không lấy bệnh thành tích để gây áp lực với các nhà trường. Chính vì vậy, từ khâu chỉ đạo thi, tỉnh đã chỉ đạo rất nghiêm túc, có sự chỉ đạo chặt chẽ của các huyện, thị, thành phố cũng như các trường đại học, đặc biệt là lực lượng PA83 tỉnh đã giúp ngành rất nhiều trong khâu chỉ đạo và triển khai các kì thi.

"Trước hết là hoàn thiện khâu đề thi, bộ ngân hàng đề làm sao đánh giá được kiến thức và năng lực, trình độ của học sinh, tránh đòi hỏi cao quá hoặc dễ quá.

Về khâu coi thi, vẫn nên có sự phối hợp với các trường đại học, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường đại học của trung ương, địa phương, trường THPT để giảng viên, giáo viên các trường khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan.

Khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, để làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong", bà Hằng kiến nghị.

Video: Gian lận thi cử ở Hà Giang: Nỗi đau của cả ngành giáo dục

Bà Hằng cho rằng, điều quan trọng nhất là trước khi kì thi diễn ra, phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi một khâu.

"Tôi cho rằng, không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương. Vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ các quy định, quy chế, có thể lắp thêm camera giám sát ở các điểm chấm nhằm hạn chế bớt tiêu cực. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, thanh tra Sở và PA83, đặc biệt là lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được các hành vi gian đối của cán bộ chấm thi", bà Hằng nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng, để kì thi năm 2019 được tốt hơn, nên rà soát toàn bộ các thông tư hướng dẫn về công tác thi, trong đó có các quy trình, công tác nghiệp vụ, công tác kĩ thuật và các điểm yếu khác.

"Việc phối hợp giữa Sở và trường đại học cần gắn chặt hơn nữa; có thể thay đổi, không phải là trường đại học đứng trên địa bàn phối hợp với các sở dịa phương mà có thể hoán đổi dưới nhiều hình thức khác nhau để luôn tạo sự mới mẻ, sự giám sát lẫn nhau được tốt hơn", ông Vĩnh nói.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề nghị Bộ thay đổi điều kiện xét đặc cách với các em thí sinh chẳng may bị tai nạn về giao thông, hoặc đau ốm không mong muốn.

"Không nhất thiết phải đưa tất cả các bộ môn tổ hợp vào một phiếu trắc nghiệm. Phần này gây nên phiền toái cho giám thị giám sát, đồng thời là kẽ hở cho thí sinh có thể sau thời gian thi hết môn các em lại hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ 2, các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa và không giám sát được. Mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác", ông Vĩnh nêu đề xuất.

Ông Vĩnh cho rằng, việc Bộ trở lại việc tổ chức chấm chéo cũng không gây khó khăn gì. Vấn đề là cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý.

"Đối với đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ, trong đó có thành viên từ trường đại học, theo tôi cần phải tiếp tục nâng cao về nghiệp vụ, đặc biệt là ý thức trách nhiệm. Chúng ta cần hiểu, kì thi này không phải là của Sở GD-ĐT mà đó là cuộc thi của ngành Giáo dục, hiểu như thế để có sự cộng đồng trách nhiệm và nếu như có lỗi xảy ra thì phải cộng đồng chịu trách nhiệm về lỗi đó", ông Vĩnh đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long khẳng định, thi THPT quốc gia không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Vì thế việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và đây là trách nhiệm của các địa phương.

Hiện nay, các trường ĐH, CĐ tự chủ trong xây dựng phương án tuyển sinh. Dựa trên các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên… các trường có thể chọn xét tuyển, hay tự tổ chức thi tuyển. Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh.

Tuy nhiên, bà Thanh đề xuất Bộ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn, đảm bảo chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia; tập trung bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra đề thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra. 

Bộ cần công bố sớm nội dung chương trình thi THPT Quốc gia năm 2019 ổn định như năm 2018 để học sinh và giáo viên định hướng tốt hơn, giảm áp lực cho học sinh (học thêm, học trước chương trình...). 

Bà Thanh đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy trình chấm thi. Các nội dung khác vẫn giữ ổn định như kì thi năm 2018 nhưng có cải tiến ở một số khâu còn hạn chế được phát hiện như: Cải tiến phần mềm chấm trắc nghiệm, quy định bộ phận nhập điểm và kiểm dò điểm sau khi nhập. Đối với bài thi tự luận, bà Thanh đề nghị vẫn giao cho địa phương chấm thi nhưng thống nhất tổ chức đánh phách 1 vòng và cách li ban làm phách hoàn toàn từ lúc làm nhiệm vụ đến lúc chấm xong bài thi cuối cùng (song song đó là tăng số lượng cán bộ chấm thi tự luận).

Video: Biện pháp chống gian lận thi cử có một không hai ở Ấn Độ

Đồng thời bà Thanh đề nghị tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. 

Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho rằng, việc lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi phải là người có tinh thần trách nhiệm cao; được tập huấn đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ.

"Cần đặc biệt quan tâm việc lựa chọn nhân sự nhất là liên quan đến các bước của quy trình chấm thi. Phải là người có tâm nghề nghiệp, luôn tâm huyết và tuân thủ những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp, nhận thức đúng về giá trị lao động, có ý thức chấp hành pháp luật tốt và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt quan trọng là vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát để có giải pháp xử lý kịp thời", bà Thanh nêu ý kiến.

Bình luận
vtcnews.vn