Những nữ sinh trường Múa (Hà Nội) phải khổ luyện hằng ngày để tập được những động tác dù là khó nhất.
Để có được động tác uyển chuyển, mềm mại như những con thiên nga, các nữ sinh trường Múa Hà Nội không chỉ cần năng khiếu, mà còn phải trải qua 6 năm khổ luyện trên sàn tập.
|
Nữ sinh lớp ballet tại Cao đẳng Múa Việt Nam (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) hàng ngày bắt đầu luyện tập từ lúc 7h sáng. |
|
Tuy nhiên, các bạn trẻ thường đến sớm hơn để khởi động trước buổi học. Phần lớn họ trước khi vào trường từng học ép cơ tại các lớp đào tạo nguồn, câu lạc bộ thiếu nhi... Do đó, những giờ luyện phương pháp này dần ít đi. |
|
Được thành lập từ năm 1959 với tên gọi ban đầu là Trường trung cấp Múa Việt Nam, đến nay lớp Múa nước ngoài (ballet) đã bước sang khoá đào tạo thứ 43 và cũng là đơn vị đào tạo múa đầu tiên tại nước ta. |
|
Ở các nước phát triển, ballet là môn học dành cho tầng lớp giàu có, giới thượng lưu, rất kén người xem. Ballet Việt Nam thì ngược lại, chưa được công chúng nhìn nhận, đánh giá đúng với giá trị cũng như công sức của diễn viên và môn nghệ thuật này mang đến.
|
|
Trường có tổng số 12 sàn tập múa, 9 phòng học văn hoá, âm nhạc. Hàng ngày, các bạn trẻ tập chuyên môn vào buổi sáng và học văn hoá, lý thuyết âm nhạc, xướng âm vào buổi chiều. |
|
Lê Thuỳ Chi (thứ 2 từ phải sang) là học sinh triển vọng của lớp kịch múa năm thứ 2 (khoá 4, hệ đào tạo liên thông 6,5 năm). Nữ sinh 13 tuổi, người Hà Nội cho biết, em yêu thích múa từ khi học mẫu giáo và ước mơ trở thành thiên nga xinh đẹp trên sân khấu ballet. |
|
Trương Thị Bích Hạnh yêu ballet theo cách khác những bạn cùng lớp. Cô gái đến từ Quảng Bình ban đầu theo học do gia đình thích và giới thiệu thi vào trường. Tuy nhiên, càng về sau, Hạnh càng thấy say mê bộ môn này. |
|
Nữ sinh không ngừng nỗ lực rèn luyện. Nhờ đó, cô trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp năm 4, khoá 40. |
|
Với những người sống ở Hà Nội, nhờ được gia đình chăm lo nên xin học ngoại trú. Nhưng các bạn trẻ từ tỉnh xa tới thường phải ở nội trú trong trường, tự chăm sóc bản thân, thiếu thốn sự quan tâm từ cha mẹ. |
|
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Anh Quân - Trưởng khoa Múa nước ngoài - cũng từng có quãng thời gian hàng chục năm học tập và biểu diễn ballet, nay lại tiếp tục trở thành thầy giáo, nắn từng động tác, chỉ dạy cho những thế hệ trẻ đi sau. |
|
Theo học hệ đào tạo 6,5 năm (múa nước ngoài), nữ sinh phải học qua đầy đủ các lớp như múa châu Âu, múa tính cách, múa hiện đại, múa DUO (múa đôi châu Âu), khó và vất vả hơn hệ đào tạo 4 năm (múa dân gian dân tộc). |
|
Các giảng viên tại trường cho biết, múa có tuổi nghề ngắn và phải tập luyện cực khổ. Không phải ai cũng thành công, nếu không có sự rèn luyện nỗ lực và một phần năng khiếu bẩm sinh.
|
|
Nhờ hay được đi cùng bố (làm tại một đoàn nghệ thuật) đến những sân khấu biểu diễn, niềm đam mê với nghệ thuật của Đỗ Huyền Linh ngày càng lớn. Em cũng từng tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ múa từ nhỏ tới khi bước chân vào trường |
|
Với cô gái Hà Nội sinh năm 1998, việc thích nhất, khó và chịu nhiều đau đớn nhất là khi thay giày mũi cứng cho những bài tập nâng cao, tập vở diễn. Đứng trên ngón chân luôn tạo ra những vết thương, sưng tấy... khiến học viên thường phải quấn nhiều lớp tất mỏng, nilon vào mũi chân trước khi xỏ giày. |
|
Nhưng khi đã thay giày mũi cứng, dường như các thiếu nữ hoàn toàn lột xác. Họ trở nên tự tin, động tác dứt khoát, đẹp mắt hơn. |
|
Đến năm học thứ 3, các nữ sinh bắt đầu làm quen với đôi giày mũi cứng và phải tới năm học thứ 6 mới có thể làm chủ hoàn toàn. |
|
Chỉ vài tháng nữa Linh và các bạn cùng khoá 38 sẽ tốt nghiệp và trở thành những diễn viên thực thụ. Tuy nhiên, họ đã được coi như những "thiên nga" xinh đẹp trên sàn tập.
|
Nguồn: Anh Tuấn/Zing
Bình luận