Theo các bức ảnh vệ tinh mới được CNN công bố, Nga vẫn đang mở rộng các căn cứ quân sự ở khu vực Bắc Cực, mặc dù chịu tổn thất đáng kể trong cuộc xung đột với Ukraine.
Trong 10 năm qua, khi biến đổi khí hậu tạo ra những cơ hội mới cho việc đi lại và khám phá Bắc Cực, phương Tây đã quan tâm nhiều hơn đến những tham vọng của Nga ở khu vực này.
Trong khi đó, Moskva bày tỏ lo ngại NATO, trong đó có Mỹ đang đe dọa vị thế của nước này ở Bắc Cực.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với CNN rằng: “việc Nga tăng cường quân sự đáng kể ở vùng High North”, cùng với những căng thẳng gần đây đã khiến liên minh này “tăng gấp đôi sự hiện diện” để đáp trả.
Trước đó, có thông tin cho rằng Nga đã huy động tới 3/4 lực lượng trên bộ từ vùng High North ở Bắc Cực để hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một bức tranh khác.
Khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2, một số tàu ngầm của Nga được tái bố trí, nhưng sau đó chúng đã nhanh chóng trở lại trạng thái sẵn sàng cao, một quan chức tình báo phương Tây nói với CNN.
Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực
Các hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies được CNN đăng tải cho thấy một số căn cứ radar và đường băng của Nga đã được nâng cấp trong 12 tháng qua. Các bức ảnh không cho thấy có thay đổi đáng kể nào, nhưng có sự củng cố và mở rộng liên tục các tài sản quân sự của Nga trong khu vực.
Theo các bức ảnh vệ tinh của Maxar, các trạm radar ở Olenegorsk, trên Bán đảo Kola ở phía Tây Bắc nước Nga và Vorkuta, phía bắc Vòng Bắc Cực, vẫn đang hoạt động.
Chúng dường như cho thấy tiến độ của một trong 5 hệ thống radar Rezonans-N ở Ostrovnoy, dọc Biển Barents, gần với Na Uy và Phần Lan. Giới chức Nga khẳng định Rezonans-N có thể phát hiện các phương tiện và vật thể tàng hình.
Hơn nữa, 3 mái che rardar mới đã hoàn thành trong năm nay tại căn cứ phòng không Tiksi ở vùng cực Đông Bắc. Ngoài ra, đường băng ở căn cứ không quân Nagurskoye - cơ sở quân sự ở cực Bắc của Nga, và đường băng tại căn cứ không quân Temp trên đảo Kotelny, phía Đông Bắc của Nga, cũng được nâng cấp.
Cần phải lưu ý rằng tình thế của Nga ở Bắc Cực là do e ngại về việc bị NATO và các đồng minh của khối này bao vây. Quan hệ giữa Nga với phương Tây cũng ngày càng xấu đi do cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc NATO sắp kết nạp thêm 2 thành viên mới, đều là quốc gia Bắc Cực.
Một loạt hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy các căn cứ và thiết bị quân sự của Nga dọc theo bờ biển Bắc Cực của nước này, nhà kho dưới lòng đất có thể là nơi chứa các loại vũ khí tối tân.
Các báo cáo công bố đầu năm nay cũng cho thấy khí tài quân sự của Nga ở High North bao gồm máy bay ném bom, máy bay MiG-31BM và các hệ thống radar tiên tiến dọc theo bờ biển Alaska.
Quá trình hiện đại hóa các sân bay và tiền đồn quân sự có cấu trúc 3 nhánh dọc bờ biển Bắc Cực của Nga trong 5 năm qua đã được ghi lại qua ảnh vệ tinh.
Tháng 10/2022, tàu ngầm Belgorod mang ngư lôi Poseidon xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp Biển Barents, nằm trong vành đai Bắc Cực, giữa lúc có những đồn đoán về hành tung của con tàu này.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cho rằng Nga muốn tận dụng các nguồn tài nguyên của Bắc Cực để khai thác tuyến vận tải thương mại. Tuyến đường biển phía Bắc có thể giảm bớt thời gian khoảng 2 tuần so với hành trình đi qua Kênh đào Suez và Nga có thể hưởng lợi về mặt kinh tế.
Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu tại lễ khánh thành tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân hoàn toàn mới ở St. Petersburg ngày 22/11 nói rằng việc thiết lập Tuyến đường biển phía Bắc sẽ cho phép Nga phát huy tiềm năng xuất khẩu và để thiết lập các tuyến hậu cần hiệu quả, bao gồm cả Đông Nam Á.
Cạnh tranh ở Bắc Cực ngày càng nóng lên
Liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu từ lâu đã cảnh giác với tham vọng của Nga, cáo buộc Moskva đơn phương quân sự hóa Bắc Cực một cách có hệ thống và không tham khảo ý kiến của các bên tham gia khác trong khu vực.
Mỹ - bên liên quan gần nhất ở Bắc Cực, đã tăng cường nỗ lực để kiềm chế Nga ở Bắc Cực.
Tháng 8 vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ bổ nhiệm một đại sứ chung cho vùng Bắc Cực trong trong bối cảnh Trung Quốc và Nga tăng cường sự hiện diện của họ ở các tuyến đường thủy do biến đổi khí hậu tạo ra. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược và thương mại của Bắc Cực đối với Mỹ khi băng đang co lại mở ra các tuyến đường biển mới và các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản rộng lớn.
Để chuẩn bị tốt hơn trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, Mỹ và Canada cũng tăng cường hợp tác quân sự và tập trận ở Bắc Cực.
Các chuyến xuất kích thường xuyên của Lực lượng Đặc nhiệm Máy bay ném bom (BTF) ở Bắc Cực hiện do máy bay ném bom của Mỹ thực hiện. Tàu ngầm Mỹ cũng hiện diện ở khu vực này thường xuyên hơn. Tháng 3/2022, Lực lượng tàu ngầm Mỹ đã hoàn thành Tập trận Băng (Ice Exercises) lần thứ 98.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy NATO can dự nhiều hơn vào Bắc Cực. 7 trong số 8 quốc gia ở Bắc Cực, ngoại trừ Nga, sẽ là thành viên NATO sau khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức được phê chuẩn tư cách thành viên.
Về thương mại và định cư của con người, Bắc Cực vẫn là một trong số ít các khu vực chưa được khám phá trên thế giới. Thực tế, do băng ở 2 cực của Trái Đất đang tan chảy nhanh, một số dự đoán cho rằng Bắc Cực có thể hoàn toàn không còn băng vào mùa hè sớm nhất là vào năm 2035. Điều này sẽ mở ra “mặt trận” giữa các bên đối đầu nhau, đồng thời và sẽ có nhiều cạnh tranh và hoạt động quân sự hóa hơn trong khu vực.
Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực không phải là điều bất thường. Như người đứng đầu NATO Stoltenberg đã nói: “Con đường ngắn nhất từ Nga đến Bắc Mỹ đi qua Bắc Cực. Vì vậy, tầm quan trọng chiến lược của những khu vực này sẽ không thay đổi vì cuộc chiến ở Ukraine”.
Bình luận