• Zalo

Nga: Vaccine COVID-19 Sputnik V hiệu quả 95% với biến chủng Delta

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 11/07/2021 16:18:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các nhà khoa học Nga, Vaccine Sputnik V có hiệu quả khoảng 95% trong việc chống lại biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2.

Sputnik dẫn lời chuyên gia khoa học Sergey Netesov - Trưởng phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Novosibirsk và Viện hàm lâm Khoa học Nga (RAS) cho biết, các công nghệ chế tạo vaccine COVID-19 như Vector virus và mRNA được sử dụng để phát triển vaccine Sputnik V của Nga hoàn toàn có đủ khả năng chống lại biển chủng Delta của virus SARS-CoV-2.

"Theo dữ liệu từ Anh, Mỹ và các quốc gia khác, các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA và Vector virus như Sputnik V có thể chống lại biến chủng Delta, dù có hiệu quả thấp hơn so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 trước đó”, ông Netesov cho biết.

Cũng theo ông này, Sputnik V có hiệu quả khoảng 95% trong việc chống lại biến chủng Delta.

Nga: Vaccine COVID-19 Sputnik V hiệu quả 95% với biến chủng Delta - 1

Các công nghệ chế tạo vaccine COVID-19 được sử dụng để phát triển Sputnik V cho phép nó đối phó hiệu quả hơn với biến chủng Delta. (Ảnh: Sputnik)

Trước đó, vào cuối tháng 6, Vladimir Gushchin, người đứng đầu phòng thí nghiệm thuộc trung tâm nghiên cứu Gamaleya, nơi phát triển vaccine Sputnik V cho biết, các mũi tiêm của vaccine Nga đảm bảo gần như 100% khả năng chống lại các trường hợp biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong bởi chủng Delta.

Sputnik V, còn được gọi là Gam-COVID-Vac, sử dụng hai Vector adenovirus được thiết kế khác nhau (rAd26 và rAd5 tương ứng cho liều đầu tiên và thứ hai) để cung cấp mã di truyền của virus SARS-CoV-2 vào tế bào người. Bằng cách này, chúng sẽ “đánh lừa” cơ thể, kích thích miễn dịch đối với vector đầu tiên và tăng hiệu quả của vaccine với mũi thứ hai sử dụng vector khác nhằm đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài.

Theo phân tích từ một thử nghiệm được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, vaccine Sputnik V có hiệu quả 91,6% trong việc chống lại virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, các báo cáo của Gamaleya và Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) lại cho thấy Sputnik V có hiệu quả lên tới 97,6%.

Khác với vaccine AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ), không có báo cáo nào cho thấy xảy ra các biến chứng nặng đối với các trường hợp tiêm Sputnik V từ các cơ quan ý tế của Nga cũng như từ 60 quốc gia đang sử dụng loại vaccine này.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn