Ngày 9/10, Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng "chỉ một điều có tác dụng" khi kiềm chế Bình Nhưỡng, ám chỉ việc ông muốn dùng đến giải pháp quân sự.
Reuters cho biết khi được hỏi Nga có bình luận gì về phát biểu này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: "Moscow đã kêu gọi và sẽ tiếp tục kêu gọi các bên trong mâu thuẫn này và các bên có liên quan kiềm chế và tránh các động thái làm xấu đi tình hình".
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lặp lại lập trường của Trung Quốc rằng các bên cần kiềm chế. Bà miêu tả tình hình hiện nay là cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng.
Phía Trung Quốc nói rằng họ hy vọng các bên không làm gì để khiêu khích nhau hay làm tình hình tệ thêm, đề nghị tất cả phát ngôn và hành động cẩn trọng.
Trong vài tuần gần đây, Triều Tiên đã liên tiếp phóng 2 tên lửa bay ngang Nhật Bản và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục ra các biện pháp trừng phạt mới dành cho Triều Tiên, dù vậy việc này không có vẻ gì sẽ chặn được tham vọng hạt nhân và tên lửa của nước này. Về phần mình, Tổng thống Trump và phía Triều Tiên, từ lãnh đạo Kim Jong Un đến các quan chức, liên tục "đấu khẩu" qua lại.
Cũng trong ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói rằng quân đội Mỹ sẵn sàng các phương án quân sự dành cho Triều Tiên, dù vẫn nhấn mạnh các nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng thông qua phương thức ngoại giao.
Ngày 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ đã tiếp xúc với các quan chức Triều Tiên và đang duy trì các kênh liên lạc trực tiếp với nước này giữa lúc căng thẳng gia tăng.
Ông Tillerson cho hay Mỹ đang tìm cách thăm dò khả năng đối thoại với Triều Tiên, kêu gọi làm dịu tình hình. Dù vậy, sau đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng Triều Tiên không quan tâm đến đàm phán về các vấn đề liên quan chương trình hạt nhân.
Bình luận