• Zalo

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng chấm dứt quan hệ sau vụ bắn hạ Su-24

Thế giớiThứ Hai, 30/11/2015 07:12:00 +07:00Google News

Xét về bản chất quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng khó có khả năng hai nước sẽ chấm dứt hoàn toàn quan hệ.

Xét về bản chất quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng khó có khả năng hai nước sẽ chấm dứt hoàn toàn quan hệ.

Sau vụ chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hôm 24/11 vừa qua, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đã có những diễn biến theo chiều hướng căng thẳng.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ, cho đây là một hành động “đâm sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố”. 
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang căng thẳng sau vụ bắn hạ máy bay Su-24
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang căng thẳng sau vụ bắn hạ máy bay Su-24 
Ông Putin cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cần phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại cho Nga vì vụ bắn rơi máy bay này.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayip Erdogan cho đến nay vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng vụ bắn rơi máy bay Nga là một hành động tự vệ nhằm đáp trả hành vi vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ của máy bay Nga. Ông Erdogan cũng từ chối xin lỗi về vụ việc này.

Theo New York Times, dù vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng hành động bắn hạ máy bay Nga vi phạm không phận là hợp lý, tuy nhiên động thái của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đến thời điểm này cho  thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn làm dịu căng thẳng với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách “làm lành” với Nga sau vụ bắn hạ máy bay Su-24

Trong bài phát biểu hôm 27/11, ông Erdogan cho biết “Tôi muốn gặp ông Putin tại Paris” - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biển đổi khí hậu COP21.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu cũng cho biết Ankara sẽ "làm việc với Nga và các đồng minh của mình để làm dịu căng thẳng".

Đích thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng có động thái “đính chính” lại phát biểu của ông khi trả lời phỏng vấn CNN tại Ankara hôm 26/11. 

Khi đó ông Erdogan đã tỏ ra cứng rắn khi nói “Tôi nghĩ rằng nếu có một bên cần phải xin lỗi thì đó không phải là chúng tôi. Những người vi phạm không phận của chúng tôi là những người cần phải xin lỗi" và "Nếu những vi phạm tương tự xảy ra ngày hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có phản ứng theo cách đã làm".

Video: Nga chính thức 'trả đũa' Thổ Nhĩ Kỳ bằng một sắc lệnh mới  
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France24 sau đó, ông Erdogan thừa nhận: "Chúng tôi có thể ngăn chặn hành vi xâm phạm không phận của chúng tôi theo một cách khác".

Theo CNN, hôm 28/11, ông Erdogan cho biết cho biết ông thực sự "rất đau buồn" về việc chiến đấu cơ Nga bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở khu vực biên giới với Syria. Ông Erdogan cũng mong rằng sự việc này sẽ không khiến cho quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trạng thái căng thẳng.

"Chúng tôi ước gì điều đó không xảy ra, nhưng thật không may nó đã xảy ra rồi”, “Tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra một lần nữa, ông Erdogan phát biểu tại một sự kiện ở Balikesir.

Bên cạnh đó, theo Sputnik, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm 29/11 cho biết, Ankara coi nhiệm vụ ưu tiên trong bối cảnh khủng hoảng quan hệ với Moscow hiện nay sau vụ bắn hạ máy bay Nga Su-24 là tiếp tục để mở tất cả các kênh liên hệ với Nga.

Trong một động thái mới nhất để làm dịu căng thẳng, ngày 29/11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, thi thể phi công lái chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11 đã được tìm thấy và sẽ được giao lại cho phía Nga.

"Thi thể phi công Nga thiệt mạng ở Syria đã được chuyển cho chúng tôi vào lúc 1h45 ngày 28/11.  Các linh mục Chính thống giáo ở Hatay (phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ) đã tiến hành nghi lễ thích hợp. Thi hài viên phi công này sẽ được bàn giao cho phía Nga", ông Ahmet Davutoglu nói với các phóng viên.

Nguồn tin Đại sứ quán Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin RIA Novostirằng, thi thể phi công Oleg Peshkov hôm 29/11 được chuyển từ Hatay đến Ankara với sự chứng kiến của các tùy viên quân sự Nga.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ít khả năng sẽ chấm dứt hoàn toàn quan hệ

Ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ trong đó bao gồm lệnh cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và giới hạn nhập khẩu một số loại hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sắc lệnh cũng đề nghị các hãng du lịch Nga hạn chế bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến yêu thích của du khách Nga. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo các chuyên gia, dù tình hình hiện nay được đánh giá là khá căng thẳng, tuy nhiên cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn vụ bắn hạ máy bay Su-24 khiến quan hệ hai nước rơi vào trạng thái “băng giá” bởi: 
Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ 
Thứ nhất, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có mối quan hệ về khá vững chắc và phụ thuộc lẫn nhau về thương mại, xây dựng, bất động sản và du lịch. 

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ rất cần Nga về kim ngạch thương mại cũng như nguồn thu từ lượng khách du lịch Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ thì Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ bởi khoảng 55% lượng khí đốt và khoảng 30% sản lượng dầu tiêu thụ tại Thổ Nhĩ Kỳ được mua của Nga. Hiện hợp tác năng lượng là một trụ cột chính trong mối quan hệ song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, là những chính khách được đánh giá là khá thực dụng, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan sẽ không muốn hy sinh sự hợp tác về kinh tế mà họ đã đạt được trong thập kỷ qua.

Thứ ba, xét từ diễn biến cuộc họp bất thường của NATO theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn hạ Su-24 của Nga hôm 24/11, trong đó NATO coi đây là một vấn đề song phương giữa Ankara và Matxcơva và nó cần được giải quyết giữa hai nước. 

Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng leo thang căng thẳng với Nga. Điều tương tự cũng đúng đối với Nga vì trong tình hình quốc tế hiện nay, sẽ là không có lợi nếu Moscow cắt đứt quan hệ hoàn toàn với bất cứ nước nào.

Xét từ các khả năng trên, cho dù vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga là một vấn đề có thể gây căng thẳng giữa hai nước, nhưng sẽ rất khó có thể khiến hai bên chấm dứt quan hệ.

Trong bối cảnh này, theo các nhà phân tích, ngoại giao có khả năng sẽ là một phương pháp tiếp cận vấn đề tốt nhất đối với cả Moscow và Ankara và hai bên sẽ sử dụng nó để có được lợi thế tối đa từ tình hình hiện nay.

Vụ Su-24 rõ ràng là một cú sốc lớn trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ cần thời gian để phục hồi.


Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn