Theo Russia Beyond, đầu tháng 6 vừa qua, tập đoàn Sukhoi cho biết họ sẽ phát triển một mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 sử dụng một động cơ, phù hợp với các nhiệm vụ chiến thuật, đồng thời nó sẽ trở thành biến thể xuất khẩu của tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57.
Cũng cần nói thêm rằng Su-57 là mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga.
Dù Sukhoi không nói rõ biến thể tiêm kích một động cơ sẽ kế thừa những gì từ Su-57 nhưng nhiều khả năng vẫn là các công nghệ hàng không được phát triển dành riêng cho các mẫu máy bay tàng hình như lớp vỏ giảm thiểu tối đa khả năng phản xạ sóng radar, hệ thống điện tử hàng không và vũ khí.
“Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm dành cho xuất khẩu của Nga sẽ được trang bị một động cơ khác so với Su-57”, Vladimir Stavreev, một cây bút của tờ Military Review cho biết. Về cơ bản mẫu động cơ này không mạnh mẽ bằng các động cơ Al-31FN của Su-57 hiện tại.
Theo kế hoạch, trọng lượng cất cánh tối đa của tiêm kích tàng hình mới sẽ không vượt quá 18 tấn.
Cũng theo Stavreev, các báo cáo ban đầu cho thấy máy bay chiến đấu mới cũng sẽ nhẹ hơn 7 tấn so với Su-57.
Dựa theo một số mẫu tiêm kích tàng hình một động cơ trên thế giới hiện tại, biến thể rút gọn của Su-57 sẽ có tốc độ tối đa không vượt qua Mach 2 (hơn 2.000km/h).
Stavreev cho rằng điểm mạnh của tiêm kích tàng hình một động cơ chính là giá thành, nó sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các dòng tiêm kích hạng nặng thuộc “gia đình” Sukhoi đang được Quân đội Nga sử dụng.
Hơn một nửa chi phí của một máy bay chiến đấu là hệ thống động cơ và hệ thống nhiên liệu. Đây luôn là lựa chọn tốt cho các quốc gia muốn xây dựng hoặc hiện đại hóa lực lượng không quân với một ngân sách hạn chế.
Về khả năng chiến đấu, máy bay một động cơ không thua kém các máy bay hạng nặng về trang bị vũ khí, hệ thống radar và khả năng cơ động. Và sự khác biệt về sức mạnh chiến đấu, do khối lượng nhỏ hơn, không vượt quá 20%.
Tuy nhiên, máy bay có hai động cơ có cơ hội quay trở lại căn cứ cao hơn ngay cả khi nó đã mất một động cơ. Với các dòng tiêm kích hạng nhẹ sử dụng một động cơ nếu gặp sự cố trên không hoặc động cơ bị bắn hỏng, tỷ lệ sống sót của nó không quá cao.
“Người Mỹ không sợ bay trên F-35 vì họ chắc chắn rằng nó 'tàng hình'. Mối đe dọa đối với F-35 chỉ tồn tại ở những quốc gia có hệ thống phòng không tiên tiến có khả năng phát hiện máy bay tàng hình. Điển hình như các hệ thống S-400 của Nga”, ông Stavreev nói.
Stavreev cho rằng máy bay một động cơ thực dụng hơn máy bay hai động cơ trong tình huống chiến đấu thực tế.
“Trong các hoạt động tác chiến ở cường độ cao, khi hệ thống phòng không và máy bay địch hoạt động mạnh, máy bay chiến đấu chỉ có thể thực hiện 5 hoặc tối đa là 10 lần xuất kích. Sau đó, nó sẽ được đưa vào sửa dưỡng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại”, Stavreev nhận định.
Theo quan điểm của Stavreev, bất kỳ cường quốc nào cũng nên chế tạo máy bay chiến đấu một động cơ rẻ tiền để có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Bình luận