Nga đang phát triển biến thể tên lửa chống tăng Kornet có khả năng tự động bám theo và diệt xe tăng tương tự loại Javelin (Mỹ) và Spike (Israel).
Theo Izvestia, các biến thể cũ của tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet (*) không có hệ dẫn tự động mà việc điều khiển tên lửa phải điều khiển bằng tay bằng cách liên tục hiệu chỉnh máy ngắm bằng cần gạt.
Tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet kiểu cũ (gồm đạn và bệ phóng) |
Biến thể mới hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên” (xạ thủ ấn nút phóng và tên lửa tự động bay tới mục tiêu), nhưng xạ thủ vẫn có thể hiệu chỉnh quỹ đạo của tên lửa khi cần thiết.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Quốc phòng Nga vẫn đang đánh giá bi quan đối với phát kiến này, cho rằng các tính năng và kết cấu của nó đã lạc hậu.
“Biến thể Kornet mới không đầu tự dẫn để đưa quả đạn tới mục tiêu như loại của Mỹ mà được điều khiển từ bệ phóng. Trong khi các loại tên lửa Javelin và Spike được tích hợp đầu tự dẫn vào tên lửa. Nghĩa là đây chưa phải là tên lửa chống tăng thế hệ thứ 3, mà mới là 2+.
Việc không phải là xạ thủ, mà là bệ phóng thực hiện quá trình điều khiển không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Nếu bệ phóng bị tiêu diệt, tên lửa sẽ mất điều khiển”, sĩ quan lục quân từng được “sờ” biến thể Kornet mới nói.
Tuy nhiên, các nhà khoa học của Phòng Thiết kế Chế tạo Công cụ chính xác Tula (cơ quan phát triển biến thể Kornet mới) lại giải thích là họ cố ý đưa hệ thống điều khiển tự dẫn không phải lên quả tên lửa, mà cho bệ phóng.
“Ví dụ có 3 xe tăng đang cơ động và binh lính bắn được một chiếc làm nó bốc cháy. Chiếc xe cháy là một nguồn nhiệt mạnh, do đó các tên lửa được phóng ra sau có đầu tự dẫn hồng ngoại như Javelin (Mỹ) sẽ hướng vào nguồn nhiệt mạnh phát ra từ chiếc xe này.
Và xạ thủ đã không thể định mục tiêu lại cho các tên lửa đó được nữa. Còn tổ hợp của chúng tôi sẽ đánh đúng vào mục tiêu mà xạ thủ đã lựa chọn”, đại diện cơ quan thiết kế nói.
Cũng theo người đại diện này, hệ thống tự dẫn lắp trên tên lửa chiếm đến 90% giá thành của quả đạn, và nó sẽ bị tiêu huỷ cùng với tên lửa. Trong khi, đối với Kornet thì hệ thống tự dẫn vẫn còn trên bệ phóng. Vì vậy phương án của Nga rẻ hơn của Mỹ và Israel.
Ông này cho biết thêm rằng, tổ hợp mới có khả năng tiêu diệt không chỉ xe tăng và xe bọc thép mà cả trực thăng, máy bay bay thấp.
Tổ hợp Kornet mới sẽ cải tiến một phần khả năng điều khiển tên lửa tới mục tiêu. Ảnh minh họa |
Chuyên gia quân sự độc lập về các xung đột quân sự hiện đại Vyacheslav Tseluyko nói rằng, các nhà sản xuất phương Tây đang cải tiến tên lửa có đầu tự dẫn bằng cách lắp hệ thống điều khiển từ xa.
“Kinh nghiệm ở Iraq, Lebanon, Afghanistan cho thấy người ta thường bắn tên lửa chống tăng vào các ngôi nhà, điểm hoả lực, công sự ẩn nấp hơn là vào xe tăng. Đối với các loại mục tiêu đó đầu tự dẫn chả có lợi ích gì, nó không nhận biết được mục tiêu.
Vì vậy mà Javelin và Spike đã được trang bị dẫn hướng chỉ huy, để xạ thủ có thể thoải mái lựa chọn và tiêu diệt mục tiêu bất kỳ không phụ thuộc vào hoạt động của đầu tự dẫn”, ông Tseluyko nói.
Biên tập viên của trang báo điện tử Otvaga-2004 Vitaly Moyseyev không loại trừ là Kornet sẽ là vũ khí chuyển tiếp trước khi xuất hiện các tên lửa chống tăng trang bị đầu tự dẫn.
Moixeev nhận định: “Tất nhiên là phải đưa tổ hợp mới này vào trang bị, đây sẽ là phương án chuyển tiếp trước khi có được tổ hợp hoàn chỉnh thế hệ 3. Tạm thời nó sẽ thay thế cho các loại tên lửa chống tăng thế hệ 2 như Metis, Fagot, Kornet.
Hiện Kornet mới đang được thử nghiệm về kết cấu mà theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào cuối năm 2013.
(*) Tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet do Nga phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1994. Kornet sử dụng hệ thống điều khiển lade kiểu SALOS, nghĩa là tia lade được chiếu đến mục tiêu bởi xạ thủ, các mục tiêu cần phải liên tục được chiếu lade và một cảm biến phái sau cho phép tên lửa lái bám theo chùm tia lade đến mục tiêu.
Đạn tên lửa chống tăng của Kornet lắp đầu đạn 2 lượng nổ chuyên chống xe tăng bọc giáp phản ứng nổ (ERA), tầm bắn 100-5.000m.
Theo kiến thức
Bình luận