Nhà bình luận chính trị của tờ RIA Novosti Dmitry Kosyrev đưa ra các nhận định của mình về kết quả các hội nghị thượng đỉnh lớn tuần qua và kết quả của chúng có tác động như thế nào đến Nga.
Trong tuần từ 23-29/4 vừa qua trên thế giới liên tiếp diễn ra ba hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ - Trung Quốc, Mỹ - Đức, Triều Tiên - Hàn Quốc. Dù không trực tiếp tham gia, nhưng Nga lại được hưởng lợi từ các quyết định của những hội nghị trên.
Trong cuộc hội đàm kéo dài hai ngày 27-28/4 vừa qua giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vũ Hán, như đã thông báo, hai bên không có bất kỳ văn bản chung nào được chấp nhận cũng như không ký kết bất cứ thoả thuận nào.
“Sau những căng thẳng vừa qua, Ấn Độ và Trung Quốc đang hết sức thận trọng cân nhắc, tránh các mâu thuẫn một cách tối đa, bao gồm quyết định về xung đột biên giới và một số tranh chấp hiện nay giữa hai nước. Trước mắt hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cuộc hội đàm song phương, nếu các quyết định nóng vội được đưa ra, nó sẽ mang đến những sự thay đổi địa chính trị lớn”, ông Kosyrev nói.
“Đó sẽ là những sự thay đổi có tác động sâu rộng đến quá trình hợp tác và phát triển giữa hai nước. Dù chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào, nhưng thông điệp của hội nghị Ấn - Trung cũng đã rất rõ ràng: 2 trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay nên và sẽ phối hợp với nhau vì sự phát triển của họ. Nếu bên thứ ba là Mỹ nhất định xen vào và ngăn chặn sự phát triển này, thì hai gã khổng lồ Châu Á hoặc sẽ làm mọi thứ để giải quyết mâu thuẫn, hoặc họ sẽ cố gắng dẹp bỏ sang một bên”.
Nga được hưởng lợi ở đây khi các đối tác chính của Matxcơva quyết định không xung đột với nhau trước những căng thẳng. Vấn đề trọng yếu ở đây là một cuộc chiến tranh thương mại được hai bên cố gắng tránh né. Trên thực tế, Mỹ đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại để phân phối lại các quy tắc trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 lại mang một mối quan tâm khác đó là ngoại giao và quân sự, chủ yếu là các chương trình sản xuất hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, giải pháp hoà bình trên bán đảo. Hai miền Nam - Bắc Triều Tiên quyết định đi đến một hiệp ước hoà bình sau 65 năm chiến tranh và nếu hai miền tìm thấy một ngôn ngữ chung và Triều Tiên quyết định giải trừ vũ khí hạt nhân, thì như một điều đương nhiên, Mỹ sẽ không còn lý do hiện diện quân sự trên bán đảo với lý do bảo vệ đồng minh Hàn Quốc khỏi Triều Tiên.
Nga cũng được lợi từ quyết định này của liên Triều, khi mà các nước láng giềng ôn hoà, lịch sự, căng thẳng biên giới sẽ được dịu lại và thu hẹp một cơ hội của Hoa Kỳ để kích động mọi xung đột có thể tại biên giới với Nga.
Câu chuyện thứ ba là người Mỹ và Đức. Ngày 27/4 trong chuyến thăm chính thức tới Washington, giữa một bầu không khí bất đồng bao trùm, Thủ tướng Angela Merkel đã đặt ra vấn đề mấu chốt cho Tổng thống Trump là “không tạo thêm vấn đề cho Châu Âu bằng cách lôi kéo EU vào sâu hơn cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và trừng phạt chống lại Nga”.
Sau tuyên bố của Thủ tướng Đức về việc muốn tách ra khỏi các lệnh trừng phạt Nga với Mỹ hay hàng loạt các doanh nghiệp lớn của Đức kêu gọi Mỹ giảm nhẹ các lệnh trừng phạt với Nga, kết quả của hội nghị giữa Mỹ - Đức lần này, Nga hoàn toàn được hưởng lợi.
Đểm chung nhất từ ba hội nghị trên có thể dễ dàng nhận thấy, đó là các nước lớn không phải đang lập ra một liên minh chống lại Mỹ, mà đã đến lúc người Mỹ nên nhận thấy phải thay đổi. Nước Mỹ sẽ không bị cô lập cũng như không thể cô lập được nước khác trong thế giới đa cực ngày nay, đặc biệt khi các nước lớn ngày càng tìm kiếm các cơ chế phát triển song phương và đa phương thay vì tạo xung đột và gây chiến tranh thương mại.
Với các nước nhỏ hơn, họ đang hình thành chiến thuật riêng của họ, tiêu biểu nhất là hội nghị liên Triều, hai miền Nam - Bắc Triều đã khéo léo tránh đi một cú đánh trực diện, sẵn sàng vứt bỏ tranh chấp trước đó và không cho bên thứ ba có cơ hội thể hiện sức mạnh trên lãnh thổ của họ thêm lần nào nữa.
Như vậy, tất cả đều đang cố gắng để tạo ra một số quy tắc quốc tế mới, để nó được công nhận phải đi một chặng đường dài, nhưng nó sẽ là xu hướng chuyển đổi bắt buộc của thế giới ngày nay, các nước chỉ có thể phát triển trên cơ chế hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Nhân tiện, một cuộc chuyển đổi như vậy Nga sẽ chỉ được hưởng lợi mà thôi.
>>> Đọc thêm: Đức đề nghị Mỹ cho phép tách khỏi các lệnh trừng phạt Nga
Bình luận