Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi cuối tháng 3 tuyên bố muốn đưa các phi hành gia NASA trở lại Mặt trăng vào năm 2024, sớm hơn 4 năm so với mục tiêu ban đầu của NASA. Lần cuối cùng một phi hành gia đặt chân xuống Mặt trăng đã cách đây 47 năm trong sứ mệnh Apollo 17.
Tuy nhiên, ông Rogozin, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) bày tỏ nghi vấn về mục đích thực sự của Mỹ. Ông cho rằng các chuyến bay vào vũ trụ của Mỹ có thể là nhằm mục đích che đậy cho các thử nghiệm quân sự của Lầu Năm Góc.
"Lẽ nào họ đang muốn lặp lại một thành tích cách đây 50 năm. Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng các sứ mệnh không gian đó thường chỉ là một sự che đậy cũng như trong những thập kỷ trước. Không gian không phải lúc nào cũng liên quan tới các vấn đề dân sự. Các sứ mệnh tạo ra nhiều công nghệ liên quan có thể được quân đội sử dụng cho mục tiêu riêng của họ" - ông Rogozin cho hay.
Mặc dù vậy, Giám đốc Roscosmos lưu ý rằng ông không có ý nói Mỹ sử dụng Mặt trăng cho mục đích quân sự.
"Nhưng không loại trừ khả năng người Mỹ thực hiện các thí nghiệm mà quân đội Mỹ quan tâm trên đó", ông này nói thêm.
Cuộc đua vào không gian giữa Mỹ và Nga bắt đầu nổ ra sau Thế chiến II và thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nga là quốc gia đầu tiên đưa phi hành gia vào vũ trụ trong khi Washington là nước đầu tiên đưa phi hành gia lên Mặt trăng.
Mỹ cho tới nay vẫn là quốc gia duy nhất thực hiện các chuyến đi bộ trên Mặt trăng.
Bình luận