Khi Cộng hòa Trung Phi (CAR) kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ chống lại lực lượng quân nổi dậy, Pháp từng đề nghị sẽ cung cấp súng bị tịch thu từ Somalia. Nhưng Nga phản đối điều này và sẵn sàng tặng CAR một lô vũ khí mới.
Đầu tháng 2, Nga gửi tới CAR 9 máy bay cùng hàng chục nhà thầu quân sự để huấn luyện binh sỹ nước này sử dụng và triển khai các dự án khai thác mỏ, đánh dấu sự khởi đầu cho nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở khu vực của Matxcơva.
Thêm vào đó, việc Nga nhiệt tình hỗ trợ và chủ động đầu tư sang Trung Phi cho thấy Nga đang muốn chứng minh uy tín và tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình, theo Reuters.
Kể từ khi phương Tây trừng phạt Nga liên quan tới việc sáp nhập Crưm năm 2014, Matxcơva đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự với các nước thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, trong đó có Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe.
Ngoài việc gửi vũ khí và nhà thầu tới CAR, Nga đã phê chuẩn việc mở văn phòng đại diện của Bộ Quốc phòng Nga tại quốc gia này.
Cung cấp vũ khí
Khi CAR kêu gọi quốc tế giúp đỡ vào năm 2017, quốc gia này đang đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột sắc tộc trong khi lực lượng an ninh CAR không đủ sức chống lại rất nhiều nhóm vũ trang nổi dậy trong nước.
CAR bị cấm vận vũ khí từ năm 2013, do đó các quốc gia muốn cung cấp khí tài cho quốc gia này buộc phải được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Pháp là quốc gia đầu tiên đề nghị cung cấp 1.400 khẩu súng trường AK47 tấn công thu giữ được tại Somalia vào năm 2016 cho CAR. Nhưng Nga ngay sau đó đã phản đối với lý do số vũ khí bị tịch thu vì vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc tại Somalia này không thể tại sử dụng ở một nước khác theo lệnh cấm.
Nhưng Matxcơva lưu ý rằng tình cảnh của CAR đang hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có một giải pháp nhanh chóng để giải quyết tình hình. Không lâu sau đó, Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc "bật đèn xanh" cho phép Nga cung cấp các loại vũ khí hạng nhẹ cho các lực lượng vũ trang ở CAR, bao gồm AK-47, súng bắn tỉa, súng máy và súng phóng lựu.
Trong khi Nga gần như không đưa ra bất cứ tuyên bố nào sau quyết định hào phóng này, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh Matxcơva phải tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản liên quan tới cấm vận vũ khí đối với CAR.
Làm sống lại các mối quan hệ từ thời Liên Xô
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã tạo ra các mối quan hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ với nhiều nước châu Phi bằng việc sát cách bên Angola, Ethiopia và Mozambique trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và giúp đỡ phong trào độc lập chống các cường quốc đô hộ ở các quốc gia này.
Giờ đây, Nga có vẻ như đang muốn làm sống lại các mối quan hệ đã bị mất đi sau khi Liên Xô sụp đổ. Matxcơva đang cùng Thổ Nhĩ Kỳ và UAE thiết lập các căn cứ ở châu Phi. Nga cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần tại một cảng ở Eritrea.
Vào tháng 3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có chuyến công du dài ngày tới 5 quốc gia châu Phi. Tới tháng 6, ông tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi và tới thăm Rwanda, chủ tịch Liên minh châu Phi. Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000 đã tăng cường các chuyến thăm và coi trọng chính sách hợp tác đầu tư với các quốc gia ở lục địa này.
Kể từ năm 2015, Nga đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác quân sự với nhiều nước châu Phi mặc dù các chuyên gia cho rằng các thỏa thuận này mang tính biểu tượng nhiều hơn so với các điều khoản của nó.
Nga cũng đang tăng cường triển khai các dự án đầu tư kinh tế ở châu lục này. Vào tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Lavrov tới thăm Ethiopia để bàn về các dự án năng lượng hạt nhân, một tháng sau đó, đại diện Bộ Nông nghiệp, Giao Thông hai nước cũng kỹ kết các thỏa thuận quan trọng.
Các công ty Nga cũng đạt được thỏa thuận về dự án khai thác khoáng sản ở Sudan. Matxcơva trong khi đó đang đưa các dự án khai thác kim cương, bạch kim ở Zimbabwe và năng lượng ở Chad vào tầm ngắm. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng cái đích mà Nga hướng tới không đơn thuần là lợi ích kinh tế mà mục đích cuối cùng là lợi ích chính trị.
Cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với Trung Quốc
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đổ không ít tiền để mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Phi, rõ ràng việc Nga ngày càng đẩy mạnh hoạt động tại đây chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không mấy thích thú.
Trước đây, nhiều quốc gia châu Phi không có nhiều sự lựa chọn nên họ thường gật đầu hợp tác Bắc Kinh, tuy vậy trong bối cảnh nhiều quốc gia đang cáo buộc Trung Quốc áp dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ để tìm kiếm lợi ích chính trị ở lục địa này, thì với sự xuất hiện của Nga, họ đã có thêm một lựa chọn.
Đối với nhiều quốc gia Châu Phi, Nga hoàn toàn có thể trở thành một sự thay thế đầy tiềm năng so với Trung Quốc.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi đã gia tăng liên tục trong vài thập kỷ qua khi Bắc Kinh coi lục địa lớn thứ hai thế giới này là nơi có những cơ hội làm ăn kinh tế và gia tăng vị thế địa chính trị của mình.
Châu Phi có vai trò rõ ràng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập, với mục tiêu làm sống lại Con đường tơ lụa khi xưa, nối Trung Quốc với châu Phi và châu Âu qua một hệ thống cầu đường và bến cảng, phục vụ các hoạt động thương mại liên vùng.
Các lĩnh vực chính mà Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện của mình tại châu lục này đó là hạ tầng cơ sở, quân sự và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Trong chưa đầy 20 năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế số một của Châu Phi. Theo một báo cáo công bố mới đây, trao đổi thương mại giữa hai bên đã đạt 190 tỷ USD năm 2016, lớn hơn cả trao đổi của Châu Phi với Ấn Độ, Pháp và Mỹ cộng lại.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng đi kèm với nhiều thách thức. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi dù ngày càng bền chặt, song lại thường xuyên bị đánh giá là thiếu cân bằng. Đây cũng chính là lý do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự báo các khoản cho vay của Trung Quốc có thể làm tăng nợ của châu Phi lên gấp đôi trong 5 năm tới. Trung Quốc hiện nắm giữ tới 14% nợ của châu Phi.
Bài toàn làm thế nào để duy trì phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến khía cạnh chính trị đang được đặt ra với Bắc Kinh và các nước Châu Phi, trong bối cảnh Nga, Pháp và một số nước EU tăng cường đầu tư vào lục địa này cùng với nhiều nước công khai từ chối khoản đầu tư từ Trung Quốc vì lo ngại trở thành con nợ và bị Bắc Kinh thao túng.
Bình luận