• Zalo

Nga liên thủ với Ấn Độ về tiền tệ để phản công trừng phạt của Mỹ

Tư liệuThứ Hai, 28/03/2022 07:27:26 +07:00Google News
(VTC News) -

Nga đang tích cực liên thủ tài chính với các nước thân thiện với mình (như Ấn Độ...) để ứng phó với Mỹ trước các lệnh trừng phạt.

Các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đang phản lại chính đồng USD và đặt ra hoài nghi về tính hợp lý của hệ thống tài chính hiện nay. Nga đang tích cực liên thủ tài chính với các nước thân thiện với mình (như Ấn Độ...) để ứng phó với Mỹ.

Bước đi mang ý nghĩa lớn theo hướng phi đô la hóa

Nga và Ấn Độ đã thực hiện một bước đi nhỏ nhưng quan trọng hướng tới hoạt động tài chính thương mại và đầu tư phi USD vào ngày 25/3/2022, khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (tức Ngân hàng trung ương của nước này) cho phép Nga đầu tư số tiền thu được từ bán vũ khí cho Ấn Độ vào các trái phiếu doanh nghiệp dưới dạng đồng nội tệ.

Nga liên thủ với Ấn Độ về tiền tệ để phản công trừng phạt của Mỹ - 1

Đồng nội tệ của Ấn Độ và của Nga. (Ảnh: BRICS)

Tài khoản của Nga với Ngân hàng trung ương Ấn Độ là nhỏ, với số dư chỉ khoảng 263 triệu USD nhưng triển vọng lợi thế cho cả hai nước là rất lớn: Ấn Độ sẽ thanh toán một trong những món hàng nhập khẩu quan trọng của mình (vũ khí Nga) bằng đồng nội tệ, còn Nga sẽ đầu tư số tiền thu được từ bán vũ khí vào một thị trường tài chính không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Theo Bloomberg News, Ấn Độ đã thay đổi các quy tắc về vay thương mại từ nước ngoài để đáp ứng đề xuất của Nga trong bối cảnh Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã phong tỏa các khoản dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga cũng như tài sản của các công dân Nga giàu có sau khi quân đội Nga mở "chiến dịch đặc biệt" vào lãnh thổ Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Điều này làm lộ ra một vết rạn nhỏ nhưng rất đáng lưu ý trong mạng lưới dự trữ bằng đồng USD. 

Tin tức cho hay, Saudi Arabia sẽ chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được dùng để thanh toán các lô dầu xuất sang Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của họ. Như vậy, Saudi Arabia sẽ duy trì một tỷ lệ đáng kể tiền dự trữ của họ dưới dạng nội tệ của Trung Quốc, có thể là bằng sự sắp xếp tương tự như giữa Ấn Độ và Nga về tái đầu tư khoản tiền thu được từ bán vũ khí.

Sau khi chứng kiến tình trạng phong tỏa các khoản tiền dự trữ của Nga, Saudi Arabia tỏ ra lưỡng lự về cách dự trữ của cải của mình ở những nơi mà Mỹ và các chính phủ phương Tây có thể thu giữ bất cứ lúc nào. Do đó, việc đa dạng hóa cách dự trữ thông qua dùng đồng nhân dân tệ là một lựa chọn mang tính logic đối với họ.

Nước cờ ngoạn mục nâng cao vị thế đồng rúp

Trong khi đó, Nga đã yêu cầu thanh toán các lô khí đốt xuất khẩu tới các nước "không thân thiện" bằng đồng nội tệ của Nga, ép các khách hàng khí đốt ở châu Âu phải mua đồng rúp của Nga trên thị trường mở. Thế là đồng rúp từ mức giá 140 rúp ăn 1 USD vào ngày 8/3/2022 đã tăng vọt lên mức 100 rúp đổi 1 USD vào ngày 25/3 vừa qua.

Sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản phong tỏa hơn một nửa trong số 630 tỷ USD của Nga theo sau cuộc chiến Nga-Ukraine, phía Nga còn ít nơi an toàn để cất trữ tiền họ thu được từ bán khí đốt bằng USD và rúp.

Với việc chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, Nga đã thực thi hiệu quả việc đưa một phần nội tệ của mình ra khỏi lưu thông, duy trì tỷ giá hối đoái của đồng rúp, và ngăn chặn áp lực lạm phát nảy sinh từ việc phá giá tiền tệ.

Nhà kinh tế Clemens Grafe của hãng Goldman Sachs đánh giá, các lệnh trừng phạt "hạt nhân" nhằm vào nền kinh tế Nga sẽ khiến nền kinh tế này thu nhỏ đi 10%, kèm theo đó là tăng trưởng 3-4% trong các năm 2023 và 2024.

Với doanh thu từ dầu khí ước đạt 1,1 tỷ USD mỗi ngày, Nga có thể có được thặng dư tài khoản vãng lai ở mức 200 tỷ USD vào năm 2022 này, cao hơn so với mức 165 tỷ USD đạt được trong năm 2021.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - thể chế tài chính quốc tế được lập ra vào năm 1944 để quản lý các đồng tiền thế giới trên tiêu chuẩn kết hợp vàng và USD, đang lo ngại trước thực tế này. Khía cạnh vàng của tiêu chuẩn này đã biến mất vào năm 1971 khi Mỹ đơn phương ngừng thanh toán thâm hụt tài khoản vãng lai bằng chuyển nhượng vàng.

Nhưng vai trò trung tâm của đồng USD đã được khẳng định vào năm 1974, khi Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác ở vùng Vịnh nhất trí giữ cho việc buôn bán dầu được thực hiện bằng đồng USD, để đáp lại các bảo đảm về mặt an ninh từ phía Mỹ.

Định hình lại hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu, tăng cường vai trò của vàng

IMF viết trên website của mình vào ngày 15/3 rằng tất cả những thứ đó có thể thay đổi: "Cuộc chiến Nga-Ukraine có khả năng thay đổi căn bản trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu, thông qua thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được tái cấu hình, các hệ thống thanh toán phân mảnh, và các nước nghĩ lại biện pháp nắm giữ tiền tệ dùng cho dự trữ".

Một chỉ dấu cho sự hoài nghi đối với vai trò dự trữ trung tâm của đồng đô la là việc giá vàng gia tăng. Vàng cơ bản được giao dịch sát sao với lợi tức trái phiếu chứng khoán bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS). Cả hai thứ này đều ngăn ngừa cú sốc lạm phát bất ngờ và tình trạng mất giá của đồng tiền.

Trong tháng qua, giá vàng đã tách khỏi lợi tức TIPS, tăng lên thay vì giảm do sự tăng vọt của lãi suất gắn với lạm phát.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/3 nói rằng các lệnh trừng phạt hiện nay ngăn Nga bán lượng vàng dự trữ của mình - ước tính có giá trị khoảng 140 tỷ USD theo giá thị trường lúc này (khoảng 1.960 USD/ounce). Có vô số tin tức nói về việc "đóng băng" các nguồn dự trữ vàng của Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây - điều này có thể gây hiểu lầm hoàn toàn. Thực tế, Nga không cần bán vàng để huy động tiền mặt. Vì hàng ngày, Nga thu vào tới 1,1 tỷ USD từ việc bán năng lượng.

Các ngân hàng trung ương giao dịch bên ngoài hệ thống USD, như Nga và Ấn Độ, có thể sử dụng vàng để thanh toán các số dư. Nếu Nga đầu tư vào Ấn Độ (bằng thỏa thuận nội tệ địa phương) nhiều hơn chiều ngược lại, Nga có thể đầu tư số tiền chênh lệch vào các tài sản Ấn Độ, theo thỏa thuận mới với Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Hoặc Ấn Độ có thể lựa chọn chuyển vàng sang Nga để xử lý chỗ khác biệt.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu là không phù hợp trong trường hợp chuyển vàng song phương giữa các ngân hàng trung ương.

Mối đe dọa của Mỹ đối với thế giới được thu hẹp vào khả năng Mỹ có thể ngừng vay tiền từ phần còn lại của thế giới (nếu vị thế đầu tư nước ngoài ròng của Mỹ là âm 14.000 tỷ USD) nhằm mua hàng hóa từ phần còn lại của thế giới.

Mỹ có mức thâm hụt tài khoản vãng lai tới 1.000 tỷ USD mỗi năm và họ chi tiền khỏa lấp sự thâm hụt này bằng cách bán các tài sản dự trữ cho phần còn lại của thế giới.

Bằng hành động phong tỏa vài trăm tỷ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga, Mỹ đã làm dấy lên câu hỏi về tính hợp lý trong hệ thống tài chính hiện hành, đồng thời cũng khuyến khích thế giới "nghĩ lại về các khoản dự trữ tiền tệ", bao gồm cả hàng nghìn tỷ USD mà thế giới cho Mỹ vay.

Trung Hiếu(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn