Đồng thời, ông Đ.Peskov “không đưa ra bất kỳ đánh giá khái niệm nào” liên quan đến phản ứng của Mỹ đối với các đề xuất của Nga.
Khi được hỏi liệu có sự thỏa hiệp giữa các bên trong phản ứng của Mỹ hay không, ông Peskov cũng từ chối đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Ông lưu ý rằng, Điện Kremlin sẽ không vội bình luận về phản ứng của Mỹ và NATO và cần có thời gian để phân tích.
Ông Peskov nói: “Tất cả những giấy tờ này đang ở chỗ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, cần có thời gian nhất định để phân tích. Chúng tôi sẽ không vội với bất kỳ kết luận nào”.
Ông Peskov xác nhận rằng, Tổng thống Putin đã đọc các phản hồi bằng văn bản của phương Tây đối với các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh. Nhưng cần có thời gian để phân tích và nhà lãnh đạo Nga sẽ đưa ra quan điểm phù hợp.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nói thêm rằng, việc thảo luận về chủ đề hạn chế bố trí các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) sẽ không khả thi nếu tách biệt với kiến trúc an ninh tổng thể.
Trước đó, ngày 26/1, Mỹ và NATO đã chuyển cho Nga các văn bản trả lời về các đề xuất đảm bảo an ninh. Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken nhấn mạnh rằng, Washington sẽ không làm tổn hại đến nguyên tắc mở cửa của NATO, như đã nêu trong văn bản trả lời Nga.
Tuy nhiên, có những “điểm tích cực” trong tài liệu có thể được thực hiện nếu Moscow sẵn sàng. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã vạch ra những lĩnh vực mà Washington nhận thấy cơ hội tiến triển trong các cuộc đàm phán, đó là chế độ kiểm soát vũ khí, bao gồm cả vấn đề đặt tên lửa ở châu Âu.
Còn Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO “sẽ không thỏa hiệp” về chính sách mở rộng về phía Đông bởi điều đó mâu thuẫn với “nguyên tắc cốt lõi” của khối. Người đứng đầu NATO đề cập đến 3 điểm chính trong văn bản phản hồi của liên minh này, đó là thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa NATO và Nga.
NATO sẵn sàng “đối thoại và lắng nghe những quan ngại của Nga”, nhưng mặt khác vẫn tôn trọng quyền của các nước lựa chọn chính sách an ninh của riêng mình. Văn bản cũng nhấn mạnh, Nga phải ngừng các hành động “gây hấn” nhằm vào các đồng minh của NATO. Thứ ba, NATO đề cập đến các thỏa thuận giảm rủi ro, minh bạch về các cuộc tập trận cũng như về kiểm soát vũ khí.
Bình luận