"Chúng tôi đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc góp phần giải quyết xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình...Chúng tôi chia sẻ quan điểm của Bắc Kinh", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
"Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga sẵn sàng đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt thông qua biện pháp chính trị và ngoại giao", bà Zakharova nói thêm.
Tuy nhiên, bà Zakharova cũng nhấn mạnh, Ukraine phải công nhận "thực tế lãnh thổ mới" ở những khu vực sáp nhập Nga vào năm ngoái gồm Donetsk, Lukhansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như Crimea trước đó.
Phản ứng về đề xuất hoà bình của Trung Quốc, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Bắc Kinh thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hoà bình. “Trung Quốc không có nhiều uy tín vì họ không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine", ông Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra phản ứng tương tự, nói rằng lộ trình hoà bình mà Trung Quốc nêu ra là một bộ nguyên tắc mơ hồ, không phải là một kế hoạch hành động cụ thể.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine trong ngày đánh dấu 1 năm chiến sự. Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bảo vệ nhà máy hạt nhân và ngưng các biện pháp trừng phạt.
Kế hoạch cũng đề cập sự phản đối của Bắc Kinh đối với việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ thường dân.
Bắc Kinh công bố kế hoạch hòa bình sau cuộc gặp giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin tại Moskva.
Bình luận