TS.BS Đặng Ánh Dương - Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng cổ, khó thở, da vùng cằm và hai bên má bị phồng căng.
Mẹ bé trai cho biết, trẻ gặp tai nạn khi đang chơi cùng anh trai tại nhà. Trong lúc nô đùa bé trai ngã đập vùng cổ vào góc của kệ tivi bằng gỗ, xuất hiện khó thở, đau nhiều vùng cổ, ngực. Bé được gia đình đưa vào bệnh viện địa phương sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được xét nghiệm cận lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) lồng ngực. Kết quả cho thấy bệnh nhi bị tràn khí khoang màng phổi hai bên, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da diện rộng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
"Trẻ bị vỡ khí quản, có một đường vỡ theo chiều dọc 3 cm", bác sĩ Dương nói và cho biết bệnh nhi được phẫu thuật ngay sau đó.
Sau mổ, trẻ tỉnh, không khó thở, ăn uống tốt và đã được ra viện, tuy nhiên vẫn cần tái khám định kỳ để các bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục.
Theo TS.BS Đặng Ánh Dương, khí quản là ống dài khoảng 10-15cm với đường kính dưới 2,54cm, có nhiệm vụ dẫn không khí. Khí quản cấu tạo bởi khoảng 20 vòng sụn, cơ và mô liên kết. Khi tác động từ bên ngoài có thể gây vỡ sụn, ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trẻ nhập viện do chấn thương khí quản gây nguy hiểm tính mạng, nguyên nhân là do trẻ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngã khi đi xe đạp.
Để đề phòng tai nạn sinh hoạt gây chấn thương khí quản, bác sĩ khuyến cáo:
- Trong quá trình trẻ sinh hoạt, vui chơi cha mẹ cần chú ý những chấn thương tác động mạnh, trực tiếp ở vùng cổ, ngực, hõm ức có thể gây chấn thương khí quản, đe doạ tính mạng, gây đột tử, nếu tràn khí trung thất mức độ nặng có thể chèn ép tim gây tử vong.
- Gia đình có trẻ nhỏ nên trông chừng trẻ cẩn thận, luôn để mắt tới trẻ.
- Dạy trẻ không được leo trèo, không xô đẩy nhau trong lúc chơi đùa.
- Cẩn thận khi cho trẻ đi xe đạp, xe máy.
- Khi trẻ không may gặp chấn thương vùng cổ ngực xuất hiện khó thở, vùng cổ phồng to cần phải khẩn trương đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí, cấp cứu kịp thời.
Bình luận